Bảo hộ chỉ dẫn địa lý
ĐBP - Tháng 5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa tổ chức triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các sản phẩm cà phê Mường Ảng và chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên”. Đây là việc làm cần thiết, giúp gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu, tăng tính cạnh tranh và là công cụ hợp pháp để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm trên thị trường.
Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL cho các sản phẩm cà phê Mường Ảng và chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên” được thực hiện trong 36 tháng. Các sản phẩm được đăng ký bảo hộ, gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, chè xanh và chè phổ nhĩ sống. Mục tiêu của dự án là nâng cao danh tiếng, đảm bảo duy trì sự tín nhiệm của người tiêu dùng, đảm bảo cơ chế quản lý sử dụng CDĐL có hệ thống chặt chẽ, khoa học; hình thành hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm mang CDĐL theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường, chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc; nâng cao đời sống cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm này, cà phê ở huyện Mường Ảng đang bước vào chính vụ thu hoạch. Trong những vườn cà phê chín đỏ luôn rộn ràng tiếng trò chuyện, tiếng cười của người dân. Năm nay, người trồng cà phê ở Mường Ảng phấn khởi vì cà phê tiếp tục được mùa, được giá. Hiện nay toàn huyện Mường Ảng có 2.162ha, trong đó có 2.075ha cà phê kinh doanh và 87ha trồng mới, tái canh. Tổng sản lượng cà phê năm 2022 ước đạt 3.500 tấn; giá bán dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Sau hơn 15 năm thăng trầm, cây cà phê vẫn được huyện Mường Ảng xác định là cây trồng chủ lực. Thực tế cũng cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây cà phê đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện Mường Ảng, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, tạo bước đệm để đăng ký, xây dựng và phát triển CDĐL cho sản phẩm, huyện Mường Ảng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn một số giống cà phê chè Arabica có ưu thế, phù hợp với điều kiện địa phương. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như TCVN 4193:2005, UTZ, 4C, VietGAP..., UBND huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến, với công suất vừa phải, phù hợp với sản lượng cà phê trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện đã thu hút được 1 doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến và bao tiêu sản phẩm cà phê là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê nhỏ lẻ khác.
Ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cho biết: Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng cà phê, với đơn giá thu mua cà phê quả tươi đầu vào là 10.000 đồng/kg, kể cả khi giá thị trường thấp hơn. Trong trường hợp giá thị trường cao hơn 10.000 đồng/kg, công ty sẽ mua theo giá thị trường. Ngoài bao tiêu sản phẩm, công ty cũng chủ động nghiên cứu nguồn giống cung cấp cho bà con, khuyến khích phát triển thêm diện tích cà phê để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Sản phẩm cà phê Mường Ảng nổi tiếng bởi hương vị riêng, đặc trưng. Định hướng tới đây có thể xuất khẩu để chất lượng, hương vị của cà phê Mường Ảng vươn xa ra nước ngoài. Do đó, việc sản phẩm cà phê Mường Ảng đang được UBND tỉnh triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL là sự kiện đáng mừng cho doanh nghiệp và người trồng cà phê Mường Ảng. Sau khi được cấp CDĐL, giá trị sản phẩm trên thị trường được tăng lên và thời gian để sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được rút ngắn lại.
Hiện nay, huyện Mường Ảng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện dự án. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm cà phê để đảm bảo sản phẩm đạt mọi tiêu chuẩn theo quy định.
Cùng với cà phê Mường Ảng, sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa cũng được thực hiện việc đăng ký, bảo hộ và phát triển CDĐL. Vùng chè Tủa Chùa tập trung ở 4 xã phía bắc của huyện: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Trong khi ở Sín Chải và Tả Sìn Thàng có quần thể chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi thì Sính Phình và Tả Phình là những đồi chè cây thấp đang độ thu hoạch.
Tại thủ phủ chè Shan tuyết cổ thụ Sín Chải thời điểm này người dân đang hưởng niềm vui nhân đôi, đó là: Chè cổ thụ được chứng nhận là Cây di sản quốc gia và sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa đang trong quá trình thực hiện việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL.
Ông Hạng A Chư, người dân thôn Hấu Chua - chủ hộ có số lượng cây chè cổ thụ lớn nhất xã Sín Chải cho biết: Thật tuyệt vời khi cây chè Tủa Chùa đã được công nhận cây di sản; sản phẩm chè Tủa Chùa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và sắp tới có thể được đăng ký CDĐL. Đây là niềm vui rất lớn đối với người trồng chè trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Các chứng nhận đạt chuẩn và CDĐL giúp sản phẩm chè Tủa Chùa nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh; người dân trồng chè sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, không còn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá” như trước đây. Từ đó giúp người dân tăng thu nhập và yên tâm gắn bó với cây chè.
Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Tủa Chùa cho biết: Mục tiêu dài hạn của Công ty là nâng tầm sản phẩm để có thể xuất khẩu. Sản phẩm chè Tủa Chùa được cấp CDĐL là việc rất cần thiết, là điều kiện tiên quyết, là tấm vé thông hành giúp sản phẩm vươn ra nước ngoài. Đây là động lực để doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa thực hiện mục tiêu dài hạn. CDĐL giúp sản phẩm chè Tủa Chùa nâng cao giá trị, tăng giá thành, tính cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt là góp phần tăng điểm trong quá trình doanh nghiệp thực hiện việc nâng sao sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.
Trao đổi về việc thực hiện đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL cho các sản phẩm cà phê Mường Ảng và chè Shan tuyết Tủa Chùa, ông Bạc Cầm Khuyên, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Được cấp chứng nhận CDĐL là một lợi thế rất lớn, bởi trong lĩnh vực nông sản, CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó. Nói cách khác, phát triển CDĐL cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được.