Chậm giải ngân vốn ODA

07:52 - Thứ Tư, 02/11/2022 Lượt xem: 5807 In bài viết

ĐBP - Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay, việc giải ngân vốn ODA vẫn đang gặp nhiều vướng mắc; tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp so với mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ giải ngân chậm do Trung ương chuyển nguồn cho địa phương chậm. Trong ảnh: Dự án Đường A1 - C4 thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn ODA của tỉnh là 84,524 tỷ đồng. Bao gồm 4 dự án: Nâng cấp sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Núa Ngam và các bản lân cận (4,138 tỷ đồng); Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên (6,25 tỷ đồng); Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Điện Biên Phủ (59,214 tỷ đồng) và Nâng cấp hệ thống cấp nước tại địa phương đảm bảo an ninh nước sạch cho người dân khu vực khó khăn xã Thanh Nưa và xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (7,922 tỷ đồng, sử dụng vốn Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Kông - Lan Thương).

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, gồm cả phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi là nhiệm vụ chính trị quan trọng; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị trong thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Định kỳ đánh giá chi tiết tiến độ của từng nguồn vốn, dự án, xác định hạn chế, nguyên nhân và có giải pháp cụ thể. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu đến hết 30/9, toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ giải ngân 100% đối với các dự án chuyển tiếp; đạt 75% đối với các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp UBND tỉnh tháng 9, đến thời điểm 30/9 ước tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt 18,703 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch vốn Chính phủ và tỉnh giao. Tuy nhiên tại báo cáo giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm 30/9 của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đối với nguồn vốn ODA mới chỉ có 1 trong 4 dự án có khối lượng để giải ngân, với tổng kinh phí giải ngân là 2,249/85,524 tỷ đồng, đạt 2,63%.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn ODA như: Một số dự án, công trình khởi công mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện. Cùng với đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục như: Kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ rút vốn (ODA), hồ sơ thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu.

Theo lý giải của lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ, giải ngân vốn ODA chậm là vì nguồn vốn ODA (thực hiện dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn thành phố) Trung ương chuyển nguồn cho địa phương muộn. Đến nay thành phố đã có đơn đề nghị Kiểm toán Nhà nước chấp thuận khối lượng đã nghiệm thu (kiểm soát theo kết quả đầu ra) làm căn cứ pháp lý gửi các bộ, ngành thẩm định và chuyển kinh phí thực hiện vốn giao năm 2022.

Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên là dự án có tổng mức đầu tư lớn. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai 2 hợp phần thuộc dự án. Hợp phần 1 (hợp phần công trình) gồm: Xây dựng kè chống sạt lở hai bờ sông Nậm Rốm có tổng chiều dài 14,7km; mở rộng dòng chảy và nạo vét một số đoạn sông; Xây dựng đập dâng. Hợp phần 2 (hợp phần phi công trình), gồm các phần việc: xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát; tăng cường năng lực quản lý đa thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; các hoạt động thông tin truyền thông... Năm 2022, dự án được bố trí kế hoạch vốn là 16,25 tỷ đồng nhưng đến thời điểm 30/9, dự án chưa có khối lượng để giải ngân vốn. Cụ thể, đến thời điểm 30/9, đối với hợp phần công trình, chủ đầu tư đang xin ý kiến không phản bác về dự thảo báo cáo đánh giá hồ sơ mời quan tâm và danh sách nhà thầu được lựa chọn gói thầu tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Hiện tại, hợp phần đang chậm tiến độ hơn 2 tháng so với kế hoạch. Đối với công tác tái định cư, tư vấn đang lập hồ sơ đo đạc quy chủ, sau khi phê duyệt sẽ tiến hành cập nhật kế hoạch tái định cư; báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 16/6/2022. Cuối tháng 9 vừa qua, đoàn công tác của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam đã tổ chức giám sát dự án và thống nhất với chủ đầu tư về tiến độ giải ngân vốn. Theo đó, dự án sẽ được giải ngân vốn lần 1 chậm nhất 31/12/2022.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top