ĐBP - Thời gian qua, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên sản phẩm đưa ra thị trường vẫn chủ yếu dưới dạng thô, chưa có thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh.
Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến ngày 30/9/2022 trên địa bàn tỉnh có 284 HTX với 10.570 thành viên, trong đó có 197 HTX nông nghiệp, 41 HTX công thương, 40 HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, 6 HTX vận tải. Nhìn chung, các HTX đã tích cực củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lí, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Điển hình như: HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh ứng dụng máy khắc gỗ công nghệ cao tạo ra sản phẩm có độ chính xác, tiết kiệm chi phí, thời gian; HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng ứng dụng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, máy cấy tự động, máy gặt đập liên hoàn trong sản xuất...
Một số HTX đã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Điển hình là HTX Nông nghiệp hữu cơ Điện Biên cung cấp sản phẩm quả bơ cho Công ty GDP Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Israel; HTX Tâm Thiện cung cấp sản phẩm gạo cho Công ty Hải Nam xuất khẩu sang thị trường Anh; HTX Na Sang cung cấp sản phẩm dứa cho Tập đoàn Đồng Dao Ninh Bình xuất khẩu sang thị trường Nga. Qua đó từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn, tăng cường đào tạo về kỹ năng quản lý, bán hàng, xúc tiến thương mại; đào tạo về chuyển đổi số cho HTX nhằm quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp. Phối hợp, tổ chức cho đại diện tổ hợp tác, HTX đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác có thế mạnh về nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho các HTX được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để đầu tư, phát triển sản xuất.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh thì hiện nay năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các HTX vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn. Đặc biệt là việc nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như: Trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn kỹ thuật của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao. Mặt khác, việc phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này của tỉnh còn hạn chế. Quy mô sản xuất, cơ sở vật chất cũng như khả năng tài chính của các HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngân hàng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn khó khăn do không có tài sản thế chấp… Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, chưa có xuất xứ hàng hóa. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thực hiện vai trò nòng cốt trong vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn các HTX tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, kinh doanh nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng; tạo ra các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời tư vấn cho các HTX xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, đăng ký sản phẩm thương mại và các chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Sở Công Thương lựa chọn, hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh.