Huyện Điện Biên tạo dựng vùng sản xuất rau tập trung

07:58 - Thứ Hai, 07/11/2022 Lượt xem: 5110 In bài viết

ĐBP- Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, những năm qua huyện Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, xây dựng các vùng sản xuất rau tập trung, an toàn; từ đó tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân.

Chị Lê Thị Thắm, thôn 13, xã Thanh Luông thu hoạch rau màu. Ảnh: C.T.V

Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, để ứng dụng công nghệ cao theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, huyện Điện Biên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

Hàng năm UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng mô hình mẫu hướng dẫn nhân dân triển khai, hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật; tập trung và phát triển cây rau màu ngắn ngày, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân phát triển vùng rau màu tập trung, an toàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã hình thành được vùng sản xuất rau tập trung, an toàn với diện tích trên 2.118,09ha (rau 2 vụ xuân - thu: 1.388,19ha; rau vụ đông: 729,90ha); tập trung nhiều ở các xã khu vực lòng chảo như: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Pom Lót, Thanh Luông...

Pom Lót là một trong những xã có thế mạnh về sản xuất rau màu tương đối lớn, với diện tích gần 118ha, chuyên luân canh, gối vụ các loại như: Cà chua, bắp cải, dưa leo, rau cải... Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: “Để tăng diện tích trồng rau màu, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống tưới tiêu; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và xây dựng, phát triển các mô hình, vùng trồng rau tập trung, an toàn. Không chỉ phát triển mở rộng diện tích xã còn chú trọng hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng”.

Gia đình chị Lê Thị Thắm, thôn 13, xã Thanh Luông tham gia mô hình trồng rau an toàn từ năm 2019. Để sản phẩm rau thực sự an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, chị Thắm đã tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về canh tác rau an toàn. Chị Thắm chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ít rau phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhưng sau khi tìm hiểu thị trường, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng 3.000m2 rau màu (rau đay, mùng tơi, cải canh...). Thị trường tiêu thụ rộng, giá thành ổn định, mỗi tháng tạo thêm nguồn thu từ 10 - 15 triệu đồng.

Thời gian tới để nhân rộng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng bền vững, huyện Điện Biên tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau màu. Tiếp tục chỉ đạo các xã hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất; liên kết chặt chẽ với các đơn vị bao tiêu sản phẩm để có phương án, kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, để hình thành các vùng chuyên sản xuất rau tập trung, an toàn, trồng quanh năm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm của người nông dân.

Bên cạnh đó, huyện Điện Biên chú trọng hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật... mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách trồng rau sạch, an toàn cho nông dân; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong phát triển rau màu; xây dựng các mô hình điểm được áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây rau có chất lượng hiệu quả vào sản xuất để nhân rộng. Từ đó, mở hướng đi mới trong phát triển rau màu, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top