Khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản

07:48 - Thứ Sáu, 11/11/2022 Lượt xem: 4100 In bài viết

ĐBP - Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Điện Biên đã và đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật, khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản. Qua đó, nâng cao sản lượng, giá trị kinh tế và từng bước hình thành vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung, góp phần mở ra cơ hội để người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Thanh Luông.

Xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Điện Biên đã dành nhiều nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thủy sản. Huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã vận động nhân dân thâm canh diện tích ao hồ hiện có, phát triển nuôi cá lồng. Đồng thời, khai thác lợi thế địa hình đồi núi dốc, nhiều khe, suối, khí hậu quanh năm mát mẻ, cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, tập trung vào các loại cá phù hợp với khí hậu, nguồn nước của địa phương như (trắm, chép, rô phi...). Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, đây cũng là hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Điện Biên cũng chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy sản. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, chương trình hỗ trợ sản xuất của các tổ chức hội, đoàn thể... đầu tư xây dựng bể nuôi, hệ thống ống dẫn nước; đào, sửa chữa hệ thống ao, kênh dẫn nước đối với các hộ nuôi thủy sản thông thường theo cách truyền thống. Cùng với đó, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về giống, phòng trừ dịch bệnh, chuyển giao khoa học kĩ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng; qua đó tạo động lực giúp các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế. Đến hết tháng 9/2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Điện Biên đạt 622,42ha, sản lượng đạt 936.6 tấn (trong đó, nuôi trồng đạt 924,46 tấn, khai thác đánh bắt đạt 38,74 tấn).

Nắm bắt nhu cầu thị trường, những năm gần đây gia đình anh Hoàng Văn Vương, thôn Thanh Bình - Co Rốm (xã Thanh Nưa) đã đầu tư nuôi cá rô phi đơn tính. Anh Vương chia sẻ: Triển khai nuôi cá từ năm 2015, nhà tôi đã mở rộng diện tích ao nuôi bằng cách phá bỏ vườn tạp san ủi làm ao thả cá, tới nay nhà tôi đã có hơn 2.000m2 mặt nước nuôi thủy sản. Rô phi là loại cá có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có khả năng thâm canh cao... Tôi tích cực học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó áp dụng vào thực tế nên đàn cá lớn nhanh, nuôi trung bình từ 4,5 đến 5 tháng là được xuất bán, mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.

Thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực phát triển, nuôi trồng thủy sản; triển khai xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, có sức cạnh tranh cao và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Từng bước chuyển đổi từ quy mô nuôi nhỏ lẻ sang hướng thâm canh hàng hóa, nâng cao chất lượng, đối tượng thủy sản nuôi có giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện đã và đang đẩy mạnh thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sản lượng cao và các đầu mối cung ứng sản phẩm thủy sản.

Huyện cũng khuyến khích phát triển hình thức liên kết hợp đồng nuôi trồng thủy sản giữa doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến với người nuôi hoặc nhóm hộ; thực hiện quy trình sản xuất giống, du nhập giống có chất lượng cao, sạch bệnh vào nuôi; nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát, cảnh báo thiên tai dịch bệnh, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trên thủy sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Từ lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi đất bạc màu, năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, đánh thức tiềm năng phát triển thủy sản, tạo thêm sinh kế bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top