ĐBP - Năm 2022, tỉnh đề ra kế hoạch trồng mới 280ha rừng tập trung (không bao gồm chỉ tiêu trồng cây mắc ca), trong đó: Trồng rừng phòng hộ, thay thế 180ha; trồng rừng sản xuất 100ha. Ngay từ đầu năm, các địa phương được giao kế hoạch đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai công tác trồng rừng đến các xã, thôn bản và các cộng đồng dân cư. Nhờ đó, công tác trồng rừng năm nay đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu.
Ngay từ đầu năm, các địa phương được giao kế hoạch trồng rừng đã tích cực triển khai công tác trồng rừng. Đến nay toàn tỉnh đã trồng được 178,6ha rừng phòng hộ, đạt 98,8% kế hoạch; 29,6ha rừng sản xuất, đạt 29,6% theo kế hoạch. Nếu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì công tác trồng rừng năm 2022 bằng nguồn vốn dự án Bảo vệ và Phát triển rừng chưa hoàn thành. Tuy nhiên, trong năm trên địa bàn tỉnh triển khai trồng rừng theo hình thức lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau như: Nguồn vốn do các chủ đầu tư dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; nguồn vốn Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng; nguồn vốn ngân sách địa phương; nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia... Tổng hợp kết quả của tất cả các chương trình, năm 2022 tổng diện tích rừng phòng hộ trồng mới đạt 257,28ha và diện tích rừng sản xuất trồng mới là 135,45ha, vượt chỉ tiêu của tỉnh.
Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, khảo sát nhu cầu và khả năng, điều kiện đảm bảo công tác trồng rừng tại các địa phương. Từ đó tham mưu cho UBND giao kế hoạch trồng rừng cho các địa phương có đủ điều kiện. Theo đó, năm 2022 UBND tỉnh đã giao kế hoạch trồng rừng cho huyện Mường Ảng và 3 huyện có Ban Quản lý rừng phòng hộ là: Mường Chà, Tuần Giáo và Điện Biên. Năm nay, mùa mưa đến sớm và kéo dài nên công tác trồng rừng thuận lợi, đạt nhiều kết quả khả quan hơn những năm trước.
Năm 2022 có 2 huyện hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng phòng hộ là: Mường Ảng (55/55ha) và Tuần Giáo (80/80ha). Tuy nhiên, đối với công tác trồng rừng sản xuất lại gặp nhiều khó khăn nên không thể hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao. Trong đó, huyện Mường Ảng được giao 20ha trồng rừng sản xuất, kết quả thực hiện 0ha. Huyện Tuần Giáo giao 50ha nhưng chỉ thực hiện được 30ha.
Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Kế hoạch trồng rừng sản xuất không thực hiện được là do suất đầu tư dự án thấp nên người dân không mặn mà với công tác trồng rừng; một phần diện tích người dân tập trung trồng mắc ca; các diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn. Bên cạnh đó tập quán sản xuất, đời sống kinh tế của người dân vẫn dựa chủ yếu vào làm nương, trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp nên họ lo lắng khi trồng rừng sẽ mất đất sản xuất và các xã hiện nay thiếu nguồn nhân lực tham gia các dự án trồng rừng.
Đối với huyện Tuần Giáo, nguyên nhân chủ yếu khiến kế hoạch trồng rừng sản xuất chưa đạt là do người dân không đồng thuận với chính sách thực hiện các dự án.
Tuy kế hoạch trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng không đạt nhưng trong năm tỉnh ta đã triển khai thêm các dự án trồng rừng sản xuất theo các nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó toàn tỉnh đã trồng được trên 100ha rừng sản xuất, hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2022 Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên được giao trồng 22,96ha rừng thay thế. Ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho biết: Để có được sự đồng thuận của người dân, tích cực tham gia trồng rừng, Ban Quản lý đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ được vai trò, sự cần thiết của việc trồng rừng ở địa phương. Mùa trồng rừng năm nay có thuận lợi là mưa sớm song đây cũng là khó khăn vì mưa nhiều làm ảnh hưởng đến việc phát dọn, đào hố chuẩn bị cho việc xuống giống. Mưa nhiều còn ảnh hưởng đến thu hoạch lúa nương của người dân trên diện tích được thiết kế trồng rừng. Song với sự nỗ lực của Ban, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, công tác trồng rừng năm 2022 đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra.