Cần giải pháp bền vững giảm ô nhiễm môi trường từ chế biến dong riềng

07:09 - Thứ Bảy, 19/11/2022 Lượt xem: 4042 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) hiện có trên 300ha trồng dong riềng, vụ sản xuất này người dân đã thu hoạch được khoảng 1/2 diện tích. Trên địa bàn xã hiện có 9 cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng đang hoạt động, trung bình mỗi ngày chế biến từ 120 - 150 tấn củ dong riềng tươi. Để chế biến 1 tấn củ dong riềng thường sử dụng khoảng 3 - 4m3 nước; tỷ lệ tinh bột thu được chỉ khoảng 15%, còn lại 85% là bã và nước thải. Với khối lượng nước và bã thải lớn như vậy, việc ảnh hưởng đến môi trường là điều khó tránh khỏi.

Anh Lò Văn Nước sử dụng bã dong riềng, rơm rạ, phân chuồng kết hợp để ủ phân hữu cơ.

Trăn trở trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ bã dong riềng tồn tại nhiều năm qua ở Nà Tấu, cuối tháng 12/2020 anh Lò Văn Nước, bản Xôm, xã Nà Tấu triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ bã dong riềng. Anh Nước thu gom bã dong riềng từ các xưởng chế biến, sử dụng thêm cả rơm và phân chuồng để tạo ra chất lượng phân vi sinh tốt nhất. Sau khi ủ hoai mục, gia đình anh Nước sử dụng bón cho rau, lúa, bước đầu mang lại hiệu quả.

Anh Lò Văn Nước cho biết: Việc tận dụng các nguyên liệu này đều góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất và chăn nuôi, đảm bảo mỹ quan nông thôn. Quy trình ủ phân vi sinh diễn ra trong 6 tháng. Tôi đã áp dụng 3 công thức khác nhau để rút ra phương pháp tối ưu nhân rộng mô hình.

Mô hình ủ phân hữu cơ của gia đình anh Nước không chỉ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất, mà còn tạo ra loại phân hữu cơ thân thiện với môi trường. Khi sử dụng phân hữu cơ từ mô hình ủ phân bằng chất thải nông nghiệp, thay cho sử dụng phân bón hóa học sẽ giảm những tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Để thử nghiệm mức độ phù hợp với các loại cây trồng, vụ ngô đông xuân 2021, người dân trong xã Nà Tấu đã sử dụng dòng phân hữu cơ của anh Lò Văn Nước bón cho ngô sinh khối (ngô làm thức ăn cho gia súc). Kết quả cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất hơn hẳn những vụ trước đó.

Trao đổi về mô hình ủ phân hữu cơ của anh Nước, ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Mô hình ủ phân hữu cơ của anh Nước mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, quy trình ủ mất nhiều thời gian, tốn công nên giá bán ra thị trường còn cao nên mặc dù sản phẩm bón cho các loại cây trồng như lúa, rau, cây ăn quả thì cây phát triển tốt, năng suất hơn nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế.

Mô hình ủ phân hữu cơ của anh Nước đã góp phần xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải trong quá trình chế biến dong riềng song quy mô chế biến mỗi vụ sản xuất trên địa bàn rất lớn nên mô hình mới chỉ đáp ứng một phần. Chính quyền địa phương đã đưa ra một số giải pháp, song cho đến nay vấn đề này vẫn chưa  được giải quyết triệt để. Vừa qua, các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu bị yêu cầu dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục và hệ thống xử lý chất thải.

Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, Lò Văn Toản cho biết: Sau hơn 10 ngày bị tạm dừng hoạt động, từ ngày 12/11 các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn xã đã được hoạt động trở lại. Chính quyền xã đã thống nhất và cử người giám sát việc xử lý chất thải từ chế biến dong riềng. Lượng bã thải được đưa đến những chân ruộng, nương khô cằn để làm phân bón hoa màu. Xã thống nhất với các cơ sở chế biến dong riềng cho hoạt động trở lại trong khoảng 10 ngày để có thể xử lý khối lượng dong riềng của người dân trong xã tránh tình trạng dong riềng đã thu hoạch mà không bán và xử lý được sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng gây ra, ngoài các mô hình xử lý như của anh Lò Văn Nước, cần giải pháp căn cơ, bền vững của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đối với các chủ cơ sở chế biến dong riềng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng, mở rộng các bể chứa để xử lý nước thải trước khi xả ra tự nhiên.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top