ĐBP - Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về trồng cây mắc ca, huyện Mường Ảng đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2025. Huyện cũng tổ chức các cuộc họp, hội nghị quán triệt, tuyên truyền và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để phối hợp triển khai; đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, thống nhất lộ trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai trồng mắc ca ở Mường Ảng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Mường Ảng đã đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách, quyền lợi của người dân khi tham gia các dự án trồng mắc ca. Bên cạnh đó để đảm bảo quyền lợi cho người dân, trước khi tiến hành liên kết với các nhà đầu tư, UBND huyện đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên xây dựng kế hoạch về phát triển thí điểm thành lập Hợp tác xã Mắc ca Cựu chiến binh huyện Mường Ảng giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn huyện. UBND huyện chủ động chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND các xã phối hợp đẩy nhanh công tác đo đạc, quy chủ toàn bộ diện tích quy hoạch trồng mắc ca tại các xã để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi tiến hành xác định rõ diện tích, khu vực các hộ dân tham gia trồng mới mắc ca. Đến nay, Mường Ảng đã đo đạc 1.862,35ha trên địa bàn 7 xã (Ẳng Cang, Mường Lạn, Xuân Lao, Búng Lao, Mường Đăng, Ngối Cáy, Ẳng Nưa).
Theo chủ trương, tổng diện tích trồng mắc ca trên địa bàn Mường Ảng giai đoạn 2021 - 2025 là 5.765ha. Trong đó, diện tích thực hiện trong năm 2023 là 1.723ha (Nhà nước cho công ty thuê 1.384ha; liên kết với người dân 339ha). Đến thời điểm hiện tại, diện tích mắc ca đã trồng trên địa bàn huyện là 367ha. Trong đó, diện tích nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên) thực hiện 310ha, người dân tự trồng và liên kết với nhà đầu tư là 52ha. Đã cho thu hoạch 5ha, sản lượng thu hoạch bình quân 5 tấn/ha/năm.
Ông Tòng Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Mắc ca Cựu chiến binh huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện chủ trương trồng mắc ca của huyện, người dân trên địa bàn rất đồng tình ủng hộ. Theo dự án người dân được hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, bao gồm hỗ trợ cây giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật. Nhận cây giống từ tháng 9/2022, tuy vào thời điểm cuối mùa mưa, nhưng do điều kiện thời tiết năm nay mưa nhiều nên tỷ lệ cây sống đạt trên 80%. Đến nay, trên địa bàn đã thành lập Hợp tác xã hiện có 52 thành viên với tổng diện tích 41,26ha. Các thành viên hợp tác xã mong muốn thời gian tới nhà đầu tư, huyện sớm cung cấp phân bón, cây giống nhanh, đúng thời vụ để người dân kịp thời trồng giặm, bón phân cho cây vào mùa mưa năm sau.
Ông Lý A Súa, người dân bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa cho biết: Thực hiện chủ trương trồng mắc ca của huyện, bản tôi có gần 20 hộ tham gia với 10,3ha. Sau khi đào hố xong vì đợi nhà đầu tư cung cấp cây giống quá lâu, qua mùa mưa tỷ lệ cây sống đạt thấp nên người dân đã tự liên hệ mua cây giống về trồng. Như nhà tôi cũng mua 280 cây với giá 30.000 đồng/cây; một số hộ mua vào thời điểm giống đắt lên tới 50.000 đồng/cây. Hiện nay cây phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Ban đầu người dân cũng xin thành lập Hợp tác xã Mắc ca Tát Hẹ, nhưng sau vài tháng lại xin giải thể vì một số lý do: Trong bản chưa có mạng internet, chưa có máy móc phục vụ quá trình hoạt động...
Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện ủy, HĐND, UBND huyện rất quan tâm đến việc phát triển dự án cây mắc ca trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án đến nay đạt thấp vì nhiều nguyên do. Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên) hầu như chưa thực hiện các cam kết của mình trong quá trình thực hiện Dự án (mới chỉ cung cấp cây giống, vật tư phân bón cho 41,5ha thực hiện liên kết với Hợp tác xã Mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện, chưa cung cấp đầy đủ các loại thủ tục hồ sơ, xác nhận nguồn gốc cây giống của cơ quan chức năng). Công ty cũng chưa cử cán bộ xuống để chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ đã trồng mắc ca trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trong quá trình đo đạc, quy chủ diện tích trồng cây mắc ca, Công ty không cử cán bộ phối hợp thực hiện cùng huyện, cũng như chưa có bất kỳ hỗ trợ gì về tiền để thực hiện nội dung này.
Thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trồng mắc ca, huyện đề nghị nhà đầu tư sớm phê duyệt dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn, để huyện có cơ sở hỗ trợ cho các hộ dân đã liên kết với nhà đầu tư trồng mới cây mắc ca trong năm 2022. Đối với phần diện tích mà nhà đầu tư đã cam kết tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025, đề nghị dừng không thực hiện đầu tư. Phần diện tích này huyện đề nghị ưu tiên chuyển sang phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Điện sinh khối.