Lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm ở Trung Quốc đã khiến giá dầu thế giới giảm sâu. Tương tự như vậy, tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm cũng giảm so với giá tại kỳ điều chỉnh trước (11-11). Do đó, nhiều khả năng, trong kỳ điều hành ngày 21-11, giá các mặt hàng xăng, dầu sẽ giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Ghi nhận trên Oilprice, ngày 20-11 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao dịch mức 80,08 USD/thùng, giảm 1,56 USD/thùng, tương ứng giảm 1,9%; dầu Brent ở mức 87,6 USD/thùng, giảm 2,16 USD/thùng, tương ứng giảm 2,4%. Trước đó, ngày 19-11, giá dầu WTI của Mỹ mất 1,56 USD, tương đương mất gần 2% xuống 80,08 USD/thùng; giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu mất 2,16 USD, tương đương 2,41% xuống 87,62 USD/thùng.
Như vậy, sau 3 phiên giảm liên tục, tính cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm sốc với dầu Brent giảm khoảng 9% và dầu WTI giảm khoảng 10%.
Theo giới phân tích, lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm ở Trung Quốc đã khiến giá dầu thế giới giảm sâu. Bên cạnh đó, dự báo cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng giảm ý định tăng tiếp lãi suất tại cuộc họp chính sách vào giữa tháng 12 tới.
Còn theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore, cập nhật đến ngày 17-11, của một thùng xăng RON 92 là 95,2 USD, RON 95 là 101,1 USD, giảm so với chu kỳ trước. Còn giá dầu cũng xuống dưới 127 USD một thùng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới. Do đó, nhiều khả năng, trong kỳ điều hành tới (ngày 21-11), giá bán lẻ trong nước cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá xăng có thể giảm 100-300 đồng, còn dầu hạ 400-500 đồng. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể còn phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước: Xăng E5RON92 không quá 22.711 đồng/lít, xăng RON95 không quá 23.867 đồng/lít, dầu diesel không quá 24.983 đồng/lít, dầu hỏa không quá 24.747 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.760 đồng/kg.