Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng, dầu

07:36 - Thứ Ba, 22/11/2022 Lượt xem: 4418 In bài viết

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng, dầu đầu mối lớn ở trong nước đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Đồng hành với nhiệm vụ này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai kế hoạch sản xuất, phân phối, dự trữ xăng, dầu, góp phần cùng các doanh nghiệp khác ổn định thị trường, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nỗ lực bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống phân phối để đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.

Dự báo nguồn cung xăng, dầu trên thị trường tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm, do nhu cầu tăng cao vào dịp lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Petrovietnam đã chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn triển khai kế hoạch sản xuất, phân phối, dự trữ xăng, dầu nhằm góp phần cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp khác ổn định thị trường, an ninh năng lượng cho đất nước. Chỉ đạo xuyên suốt của Petrovietnam là bảo đảm sản xuất an toàn, ổn định, cung cấp tối đa có thể, công bằng, công khai, minh bạch cho các đơn vị, đầu mối, góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cấp bách trong lúc này là giữ vận hành an toàn, ổn định cho sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, giám sát vận hành, tránh sự cố để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở công suất cao; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu thị trường phù hợp, nhất là ở khu vực có các "điểm nóng", góp phần bình ổn thị trường, chia sẻ khó khăn với Nhà nước”.

Triển khai công tác này, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương cho biết, từ đêm 4 đến rạng sáng 5-11, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng, dầu.

“Với kinh nghiệm hơn 12 năm vận hành, việc nâng 12% công suất thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn bảo đảm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, việc nâng công suất để tăng sản lượng xăng, dầu lại đang đặt ra thách thức mới về nguồn nguyên liệu đầu vào với BSR, nhất là tại thời điểm nguồn cung dầu thô thế giới bị đứt gãy và giá cả biến động khôn lường như hiện nay”, ông Bùi Ngọc Dương nói.

Trước đó, trong tháng 10-2022, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, liên tục ở công suất cao, trung bình đạt 107%. Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhà máy xuất bán gần 6,6 triệu mét khối xăng, dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000m3 so với khối lượng đã cam kết. Tương tự, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng thông tin, trong bối cảnh gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng lớn từ tỷ giá, nhưng thời gian qua nhà máy đã nỗ lực tối ưu công suất để tăng sản lượng xăng cung cấp cho các đầu mối.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Đoàn Văn Nhuộm cho biết, cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2022, tình hình kinh doanh xăng, dầu PVOIL và toàn bộ các đầu mối khác đều rất khó khăn. Do vấn đề về room tín dụng, tỷ giá, giá cơ sở chưa được cập nhật chính xác, các đầu mối tư nhân không nhập hàng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Trong bối cảnh sản lượng bán lẻ càng tăng thua lỗ sẽ càng lớn, PVOIL vẫn nỗ lực cung ứng tối đa cho nhu cầu thị trường. Nếu mọi năm, sản lượng kinh doanh cả năm của PVOIL đạt khoảng 3,2 triệu tấn, thì lũy kế 10 tháng đầu năm nay, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOIL đã vượt 3,3 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11, 12-2022, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh liên tục và hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Petrovietnam, PVOIL tiếp tục nỗ lực bảo đảm lượng hàng bán ra trong hệ thống, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Để không bị đứt nguồn, PVOIL đã phối hợp với các nguồn cung trong nước, tận dụng các chuỗi giá trị trong Petrovietnam, đồng thời nhập khẩu xăng, dầu theo phân bổ của Bộ Công Thương. Sắp tới, PVOIL sẽ nhập khoảng 60.000m3 xăng, dầu để bổ sung nguồn cung cho thị trường trong dịp cao điểm cuối năm 2022.

“Hy vọng giá cơ sở, room tín dụng, chi phí khác sẽ được xem xét, tính vào giá thành trong những kỳ điều hành tiếp theo để giảm phần nào khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu”, ông Đoàn Văn Nhuộm nhấn mạnh.

Trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng nguồn cung của thị trường xăng, dầu, các đơn vị thành viên cùng với Petrovietnam đã và đang nỗ lực chung tay, đồng hành cùng các bộ, ngành, Chính phủ để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách của xã hội, góp phần bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top