ĐBP - Từ đầu năm đến nay, do nhiều nguyên nhân khiến công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là các khoản thu từ nhà, đất. Ban Chỉ đạo thu ngân sách tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh một số giải pháp thu trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao.
Năm 2022, Cục Thuế tỉnh được Trung ương giao thu 1.020 tỷ đồng và HĐND tỉnh giao thu 2.326 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc ngân sách cấp tỉnh và trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố còn chậm, dẫn đến kết quả thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp so với dự toán tỉnh giao.
Cùng với đó, một số chính sách miễn giảm thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước như: Giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân và tiền thuê đất... Những nguyên nhân trên dẫn đến kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán giao: Tổng số thu hơn 1.090 tỷ đồng, đạt 46,89% dự toán HDND tỉnh giao. Mặc dù có một số khoản thu vượt dự toán, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (445%); thuế thu nhập cá nhân (118%); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (191%)... song còn một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng tiến độ thu thấp, như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (73,7%); thuế bảo vệ môi trường (54%); thu tiền sử dụng đất (15%)...
Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách những tháng cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao, Ban Chỉ đạo thu ngân sách tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp khai thác hiệu quả nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nuôi dưỡng, chống xói mòn nguồn thu; nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế. Xác định nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Đồng thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai để đảm bảo hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất được giao; thẩm định phương án giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, góp phần giúp người nộp thuế phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước tại địa phương. Tăng cường cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về hóa đơn điện tử, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an toàn, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế.