Cắt chính sách, xã nông thôn mới gặp khó

07:38 - Thứ Sáu, 25/11/2022 Lượt xem: 3582 In bài viết

ĐBP - Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên còn 99 xã thuộc khu vực II và III, giảm 17 xã so với giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh hiện có 27 xã thuộc khu vực I gồm những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% hoặc đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều hộ dân tại một số xã khu vực I lại đang gặp khó khi các chính sách hỗ trợ y tế, học phí, tín dụng được hưởng trước đây bị cắt.

Cán bộ xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) vận động người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sau khi bị cắt một số chế độ khi xã được công nhận nông thôn mới.

Năm 2016, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc từ khu vực III trở thành xã khu vực I. Tuy nhiên, xã vẫn còn 1 bản đặc biệt khó khăn theo quy định, đó là bản Tát Hẹ. Vì vậy, đầu năm học 2021 - 2022, tại bản Tát Hẹ đã xảy ra tình trạng nhiều học sinh xin chuyển trường sang học tại xã khác để được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Một số gia đình không cho con em mình đến lớp vì không được hỗ trợ trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường, của huyện mà còn ảnh hưởng tới việc học tập của con em.

Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết: Tát Hẹ là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng lại thuộc xã nông thôn mới. Nếu học sinh đi học tại xã thì phải tự túc nấu ăn và không được hưởng các chế độ của vùng đặc biệt khó khăn, nên nhiều gia đình chuyển trường cho con để được hưởng các chế độ hỗ trợ. Nhiều hộ trong bản thuộc hộ nghèo, có những gia đình xa trường, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, học sinh không thể tự đi về được. Với những hộ nghèo trong bản, việc cắt giảm chế độ hỗ trợ khiến học sinh và cả người dân rất thiệt thòi.

Ngoài việc ảnh hưởng lớn về chính sách giáo dục hay y tế, thì phải kể đến sự tác động bởi các chính sách về vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; chính sách cho cán bộ y tế xã, cán bộ xã; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn. Đơn cử, tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), năm 2021 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chế độ ưu đãi, hỗ trợ dành cho người đến công tác, làm việc nơi đây bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý. Với người dân trên địa bàn, nhiều hộ muốn vay vốn chính sách ưu đãi để sản xuất, xóa đói giảm nghèo nhưng không được vay. Nếu như trước đây, người dân có thể vay vốn sản xuất kinh doanh từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, thì từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới người dân không được vay khoản này (trừ hộ nghèo). Đây là nguồn vốn ưu đãi, tiếp sức tích cực cho những đối tượng vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; còn bây giờ để có tiền sản xuất, kinh doanh, người dân phải vay ngân hàng khác, hoặc chương trình tín dụng khác.

Ông Mai Ngọc Minh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Trước đây, người dân xã Sín Thầu có thể vay vốn theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, nhưng từ khi đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định bị cắt; hiện chỉ có một số đối tượng hộ nghèo được vay vốn chương trình này. Trước khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, tổng dư nợ chương trình cho vay này trên địa bàn xã khoảng 14 tỷ đồng; hiện nay chương trình này dừng cho vay trên địa bàn xã Sín Thầu và cán bộ ngân hàng đang thu hồi lại vốn cho vay trước đó.

Không chỉ tại xã Ẳng Nưa hay Sín Thầu, nhiều xã thoát khỏi vùng khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh sẽ không được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: Chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, chính sách về cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về giao khoán bảo vệ rừng... Trong khi trên thực tế, dù là xã khu vực I, nhưng một số xã vẫn có các thôn, bản đặc biệt khó khăn; có xã cách xa trung tâm huyện, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Để gỡ khó cho người dân, cơ quan chức năng, các địa phương đã chủ động tìm giải pháp trước mắt. Đơn cử để huy động học sinh đến lớp và duy trì sĩ số đối với những trường hợp bị cắt chế độ theo quy định, các nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động các nhà từ thiện, tài trợ cho học sinh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền nghiên cứu, có giải pháp căn cơ hơn. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để khuyến khích người dân nỗ lực vượt khó, tự lực gây dựng cuộc sống. Bởi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương gia đình vượt khó, làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để có động lực phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top