Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.363.501 tỷ đồng, bằng 116,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P). |
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 68.437 tỷ đồng (bằng 242,7% so với dự toán); thu nội địa ước đạt 1.295.064 tỷ đồng (bằng 112,9% so với dự toán pháp lệnh).
Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.009.234 tỷ đồng, bằng 110,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 111,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại trừ các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và các khoản tăng thu do thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách kích cầu tiêu dùng thì tăng 8,5% so cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thuế, so với dự toán, đã có 17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 95%). Trong đó, một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 104,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 106,0%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 111,3%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 128,8%...
Tổng cục Thuế cho biết, nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả thu là do tình hình kinh tế nước ta những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đầu năm đạt khoảng 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước... Chính những yếu tố này đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, mặc dù thu ngân sách 11 tháng đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt, thép (10 tháng năm 2022 giảm 15,3% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, một số ngành do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ (như: thiết bị công nghệ; điện thoại di động giảm 5,1%; tivi các loại giảm 1,4%;...).
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực tuy nhiên áp lực từ lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác... sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế trong tháng cuối năm và năm 2023.