ĐBP - Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mối liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh ta phát triển theo hướng bền vững. Song hiện tại, mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên, nhất là giữa người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay toàn tỉnh có 23 chuỗi liên kết, tiêu thụ và cung ứng sản phẩm an toàn. Các chuỗi liên kết chủ yếu về rau, chè, gạo, cà phê. Thông qua liên kết góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao trình độ canh tác cho người dân, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, giá trị nông sản cho người dân. Cùng với đó, việc liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm giúp nông dân không phải lo ngại đầu ra bấp bênh hoặc bị thương lái ép giá. Về phía doanh nghiệp sẽ có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng. Điển hình như chuỗi liên kết sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa của Công ty TNHH Trà Phan Nhất được xác nhận từ năm 2016. Việc thu mua sản phẩm chè nguyên liệu đối với các hộ dân trồng, thu hái, sơ chế chè tham gia chuỗi liên kết được duy trì. Hiện nay công ty thực hiện mở rộng chuỗi liên kết với đơn vị sản xuất chè mới tại huyện Mường Ảng, sản lượng tiêu thụ mỗi năm khoảng 5 - 10 tấn chè búp, với thị trường tiêu thụ tương đối ổn định như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh... Thời gian tới công ty tiếp tục duy trì phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm chè an toàn và định hướng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Không thể phủ nhận việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Song mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn khá lỏng lẻo, thiếu bền vững, quy mô liên kết còn nhỏ, thị trường thiếu ổn định, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Tiềm lực của đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu; trong khi đó ý thức tuân thủ trong liên kết cung ứng sản phẩm của một số người dân chưa cao, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Bên cạnh đó, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa người bán và người mua; cũng chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên.
Trên thực tế, thời gian qua còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng. Đơn cử chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm khoai sọ của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban với người dân xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) đã phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân do một số khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân tham gia chuỗi liên kết chưa đầu tư nâng cao chất lượng và sản lượng, dẫn đến không ổn định, năm được mùa, năm mất mùa. Vì vậy, sau khi đi vào hoạt động được khoảng 2 năm (dù đã có hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp) nhưng đến năm 2020 chuỗi liên kết này bị phá vỡ, doanh nghiệp không thu mua, người dân không tiêu thụ được sản phẩm. Tương tự chuỗi liên kết rau, củ, quả của HTX Rau an toàn Thanh Đông (huyện Điện Biên) đi vào hoạt động từ năm 2015 với 9 thành viên tham gia. Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2017 HTX đã liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green; các sản phẩm của HTX đã đến được với người tiêu dùng, được khách hàng đánh giá có chất lượng cao. Tuy nhiên, đầu năm 2018 chuỗi liên kết đã phải dừng hoạt động do HTX chuyển đổi mô hình sản xuất.
Để tạo mối liên kết bền vững, ngoài xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia, người sản xuất phải đảm bảo đúng hợp đồng đã cam kết. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người sản xuất, đồng thời xây dựng chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó giải quyết những bất cập trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay.