Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

07:40 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 3786 In bài viết

ĐBP - Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như năm 2021, tỷ lệ dân số toàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử chỉ đạt 18,36% thì đến năm 2022 tăng lên 35%. Tuy nhiên việc phổ cập và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, cần có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước mở rộng độ bao phủ của phương thức thanh toán này tại khu vực nông thôn.

Hiện nay việc thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu diễn ra ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện. Trong ảnh: Người dân thanh toán qua thẻ tại Siêu thị Hoa Ba.

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS; thực hiện các dịch vụ thanh toán hóa đơn, viễn thông, viện phí qua dịch vụ thanh toán e-banking, smartbanking, ipay, ví điện tử... Thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng thực hiện thanh toán nhanh chóng, an toàn, chính xác. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng đã chủ động giải thích và phản hồi kịp thời các ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ thanh toán.

Hiện nay, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế thì các điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn còn ít. Nhiều người dân chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, nhất là những người lớn tuổi, khu vực vùng sâu vùng xa, kể cả những người đã có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, nhiều người còn tâm lý e ngại tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh, an toàn. Những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các vụ việc tài khoản của khách hàng bị hack, bị chiếm đoạt... trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Qua khảo sát, nhiều người dân cho rằng khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tốn chi phí chuyển tiền, làm thẻ, in sao kê, phí giao dịch và chưa thuận tiện ở khu vực nông thôn.

Ông Lò Văn Tính, người dân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) cho biết: Tôi đã cao tuổi, việc sử dụng công nghệ, điện thoại để thanh toán qua mạng gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể đến chi phí các loại. Từ trước đến nay tôi vẫn sử dụng tiền mặt khi giao dịch, mua bán, bởi sự thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi, nên cũng ngại thay đổi. Như vào quán ăn bát bún, bát phở thì trả tiền mặt tiện hơn chứ dùng các phương tiện thanh toán hiện đại cũng khó.

Còn chị Nguyễn Thị Dung, người dân xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho rằng, kể cả mang điện thoại hay thẻ ngân hàng trong người thì việc có tiền trong ví vẫn giúp chị tự tin hơn khi ra đường. Bởi lẽ không phải điểm mua sắm nào cũng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều thứ chỉ có giá 5 - 10 nghìn đồng thì thanh toán bằng tiền mặt vẫn tiện dụng. Hơn nữa chị rất lo ngại những vấn đề về bảo mật.

Hiện nay, trong 35% dân số có tài khoản thanh toán điện tử thì chủ yếu là người dân khu vực thành thị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dài hạn. Để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, chính quyền địa phương, các ngân hàng, tổ chức thanh toán trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về các hình thức thanh toán; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin. Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh có 98,6% số thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động (tối thiểu sóng 2G); 94,3% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (cấp thôn, bản) được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; số thuê bao di động đạt 85% dân số, trong đó có 78% người sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh. Đây là căn cứ để triển khai, nhân rộng việc thanh toán không sử dụng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn.

Từ thực trạng trên cho thấy, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, trước hết cần phải tuyên truyền hiệu quả để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top