Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

06:14 - Thứ Sáu, 16/12/2022 Lượt xem: 5338 In bài viết

ĐBP - Với chức năng tuyên truyền, tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và các dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân và người lao động, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giúp người dân địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình mới, cách làm hay. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới đi lên, ngày càng khẳng định uy tín, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, xứng đáng là “điểm tựa cho nông dân” trong phát triển kinh tế.

Lớp dạy nghề kỹ thuật trồng nấm cho hội viên nông dân bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Ảnh: C.T.V

Năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách đào tạo nghề, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân. Cụ thể, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ tổ chức 12 lớp dạy nghề dưới 3 tháng cho 420 học viên tại các xã, phường. Các nghề chính, gồm: Kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và bảo quản nấm; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô. Các lớp đều được thực hiện theo phương thức “Cầm tay chỉ việc” giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức vào thực tiễn nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có tại gia đình. Như với lớp trồng cây ăn quả, ngoài lý thuyết các học viên đồng thời thực hành ngay tại vườn từ khâu làm đất đào hố, chuẩn bị phân bón và xuống giống, việc chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây ăn quả theo thời kỳ sinh trưởng... Kết thúc khóa học, học viên đã nắm vững kiến thức để áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương.

Lớp dạy nghề trồng nấm ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) có 35 học viên do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, hầu hết học viên nắm được kỹ thuật trồng nấm cơ bản, như: Kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu (nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ); kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy meo giống; kỹ thuật ươm sợi nấm, cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng, thu hoạch; công tác sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm...

Đến nay, học viên đều có thể tự thực hành trồng nấm tại nhà để có nguồn thu nhập cho gia đình. Bà Lò Thị Thắm, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông cho biết: “Hiện nay gia đình tôi có hơn 4.000m2 ruộng và gần 2ha nương trồng ngô, sắn. Dù công việc đồng áng khá bận nhưng khi có lớp học nghề nấm tôi vẫn tham gia có thêm sinh kế, tạo thêm việc làm mới cho mọi người trong gia đình. Từ kiến thức, kỹ thuật học được, tôi dự định tập hợp chị em trong bản cùng nhau trồng nấm. Ngoài phục vụ bữa ăn gia đình còn có thể mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình...”.

Cùng với đó, nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đó vận dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với hội nông dân các huyện, thị, thành phố tổ chức 6 hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 192 hội viên tại các huyện: Điện Biên; Mường Chà; Mường Ảng; Tuần Giáo. Trung tâm cũng phối hợp lồng ghép các chương trình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu tới nông dân các sản phẩm phân bón, giống cây trồng có uy tín, chất lượng. Trong năm 2022, Trung tâm cung ứng 50 tấn phân hữu cơ vi sinh cho nông dân tại huyện Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ; phối hợp với Công ty Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên triển khai chương trình trồng 15ha cây gai xanh AP1 có sự bao tiêu sản phẩm, với 5ha tại huyện Mường Chà và trên 10ha tại huyện Tủa Chùa.

Để giúp hội viên nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, quảng bá thương hiệu sản phẩm, Trung tâm tham mưu với Thường trực Tỉnh hội ban hành Kế hoạch giữa Hội Nông dân tỉnh với Bưu điện tỉnh về việc triển khai thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 tại tỉnh. Đồng thời, tổng hợp thu thập thông tin của 830 hộ sản xuất kinh doanh giỏi; tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân và các hợp tác xã về nội dung: Xúc tiến thương mại; cơ chế bán hàng cho cộng tác viên, đại lý các cấp hội; đào tạo kỹ năng bán hàng cho 960 người tại các huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 2 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại triển lãm Festival trái cây tỉnh Sơn La; hỗ trợ tiêu thụ trên 10 tấn bí xanh tại xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông). Ngoài ra, Trung tâm phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đăng ký 1.200 tài khoản bán hàng trên sàn giao dịch điện tử PostMart; phối hợp rà soát, lựa chọn 15 sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương để quảng bá trên gian hàng thương mại điện tử PostMart, như: Rượu đông trùng hạ thảo, trà đông trùng hạ thảo, chè Shan tuyết Tủa Chùa, miến dong, bánh khẩu xén, mật ong...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top