ĐBP - Nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn hiệu quả. Qua đó giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, từ năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành quy định về nội dung chi và mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông tỉnh, trong đó chú ý về việc hỗ trợ xây dựng mô hình điểm. Theo đó, đối với mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn, hỗ trợ tối đa 100% chi phí giống, thiết bị, vật tư thiết yếu ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới và địa bàn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch hại, biến đổi khí hậu theo công bố của cấp có thẩm quyền; hỗ trợ tối đa 70% đối với các địa bàn còn lại. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện. Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình.
Việc nhân rộng mô hình hiệu quả cũng được hỗ trợ tối đa kinh phí đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập. Đối với nội dung chi khác để nhân rộng mô hình (chi phí giống, thiết bị, vật tư thiết yếu, thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo) thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án, các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động khuyến nông. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; triển khai thí điểm nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư, thu hút hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng sản xuất đại trà, mang lại thu nhập cao.
Mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên thực hiện từ tháng 5/2020 - 5/2022 trên diện tích 4.400m2. Mô hình được áp dụng quy trình thiết kế ao nuôi, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị sục khí; quy trình kỹ thuật ủ men vi sinh và duy trì Biofloc trong ao; quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh. Sau 2 năm thực hiện, mô hình đạt sản lượng 21,52 tấn, trừ các chi phí cho lãi hơn 63,8 triệu đồng, tương đương hơn 145 triệu đồng/ha. Việc áp dụng công nghệ làm giảm thức ăn sử dụng, tiết kiệm nước, cân bằng lượng nitơ - các bon, ổn định môi trường nước, tăng lượng thức ăn tự nhiên cho cá, giảm dịch bệnh, cá sinh trưởng nhanh.
Tương tự mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên thực hiện tại xã Pú Nhung và Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) trong năm 2022, với 50 hộ tham gia, quy mô 126 con. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí về thức ăn hỗn hợp cho trâu, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt, các hộ còn được cán bộ đến tận nhà tập huấn về kỹ thuật chọn trâu đưa vào vỗ béo; thiết kế chuồng trại; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải của trâu, đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu; sản xuất và chế biến một số loại thức ăn thô xanh và thức ăn tinh bột cho trâu bò... Sau 3 tháng vỗ béo, trâu tăng trọng lượng trung bình 90kg/con (bình quân tăng 1 - 1,2kg/con/ngày). Đối với trâu loại thải, sau 3 tháng vỗ béo tăng khối lượng trung bình 68,5kg/con (bình quân tăng 761 gam/con/ngày).
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, thông qua các mô hình khuyến nông đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân. Người dân đã biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chế biến và bảo quản thức ăn... Nhờ đó hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao, tăng giá trị thu nhập.