ĐBP - Điện Biên có nhiều nông sản đặc trưng, trong đó có những sản phẩm đã khẳng định chất lượng, tạo thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên giá trị nông sản Điện Biên vẫn đang bị đánh giá thấp hơn so với tiềm năng, chất lượng sản phẩm.
Đăng ký bảo hộ sản phẩm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như: Gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè Shan tuyết, khẩu xén Mường Lay, bí xanh Tìa Dình… Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 1 sản phẩm được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, đó là gạo Điện Biên. Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một lợi thế rất lớn, bởi trong lĩnh vực nông sản, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Xuất phát từ thực tế đó, nhiều địa phương có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đều mong muốn đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt là cà phê Mường Ảng và chè shan tuyết Tủa Chùa.
Đến hết năm 2022, huyện Mường Ảng có 2.162ha cà phê, trong đó 2.075ha kinh doanh và 87ha trồng mới, tái canh; tổng sản lượng ước đạt 3.500 tấn; giá bán dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Những năm qua, huyện Mường Ảng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như TCVN 4193:2005, UTZ, 4C, VietGAP... UBND huyện cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến, với công suất vừa phải, phù hợp với sản lượng cà phê trên địa bàn huyện. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm cà phê Mường Ảng ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê luôn được huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Những năm qua, huyện Mường Ảng đã nỗ lực mở rộng vùng trồng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại địa bàn. Huyện mong muốn UBND tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển cây cà phê ở Mường Ảng. Đặc biệt là chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn triển khai, hoàn thiện các thủ tục đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Mường Ảng.
Ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cho biết: Định hướng lâu dài của công ty là có thể xuất khẩu sản phẩm cà phê Mường Ảng ra thị trường nước ngoài. Do đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc liên kết với người dân, cung cấp giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, bao tiêu sản phẩm, đồng thời đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, Công ty mong muốn sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tháng 5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các sản phẩm cà phê Mường Ảng và chè shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên”. Dự án được thực hiện trong 36 tháng. Như vậy, một thời gian ngắn nữa tỉnh ta sẽ có thêm 2 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường nông sản.
Tăng cường liên kết sản xuất
Những năm gần đây, việc tích cực xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tăng cường xúc tiến thương mại cho nông sản được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị nông sản.
Gạo Điện Biên là sản phẩm đã tạo được thương hiệu trên thị trường nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, sản phẩm gạo Điện Biên dần đánh mất thị trường, thương hiệu mai một. Để vực dậy thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm gạo chất lượng cao Điện Biên, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh. Hiện nay, toàn huyện đã thu hút được 3 đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, liên kết với người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo chất lượng cao. Tổng diện tích liên kết khoảng 500ha.
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Hợp tác xã cung cấp giống lúa thuần chủng, chất lượng và hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa, hợp tác xã thu mua 100% sản lượng trên diện tích sản xuất theo chuỗi với giá bằng và cao hơn giá thị trường. Đến nay, hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hộ dân 2 xã: Thanh Yên và Thanh Hưng, mở rộng diện tích liên kết từ 50ha lên 250ha lúa, nâng sản lượng mỗi vụ trên 500 tấn gạo thành phẩm.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, như: Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7. Đến nay, sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên, gạo séng cù Nàng Hiên của Công ty TNHH Safe Green đã thâm nhập một số thị trường như: Hà Nội, Quảng Ninh...
Song song với việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh ta chú trọng xúc tiến thương mại, nhằm xây dựng thương hiệu và “phủ sóng” sản phẩm nông sản địa phương. Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực tại tỉnh; tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ thương mại trong nước và quốc tế (các tỉnh Bắc Lào). Từ năm 2020, Sở Công Thương từng bước ứng dụng xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử.