ĐBP - Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 - 2025 (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững) năm 2022 trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần giải pháp căn cơ để tháo gỡ.
Năm 2022, tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn Trung ương hơn 1.440 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 1.152 tỷ đồng (chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 178,4 tỷ đồng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 478 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững hơn 486,7 tỷ đồng); vốn sự nghiệp hơn 288,3 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, địa phương tích cực lồng ghép, gắn kết chặt chẽ việc triển khai nội dung các chương trình với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; công tác thực hiện đầu tư các dự án của một số địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Công tác lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Quá trình triển khai, các chủ đầu tư và địa phương đều làm theo kiểu vừa làm vừa đợi hướng dẫn từ cơ quan chủ quản. Công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu tăng, khan hiếm xăng dầu... đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các dự án.
Cùng với đó, ngân sách Trung ương phân bổ chưa kịp thời; một số dự án, tiểu dự án không kịp triển khai thực hiện theo tiến độ được giao do nội dung hoạt động, hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến thời vụ. Nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương, làm giảm tính chủ động trong việc phân bổ kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đơn cử, phân bổ cho lĩnh vực hoạt động kinh tế của dự án 3 và tiểu dự án 1 của dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là quá nhiều so với nhu cầu và khả năng thực hiện của địa phương.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tủa Chùa năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), UBND huyện đã bố trí hơn 3,3 tỷ đồng cho UBND các xã, thị trấn để thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tuy nhiên, các xã, thị trấn chưa thực hiện hỗ trợ được do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ của dự án. Hay đối với tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc dự án 3, UBND huyện đã bố trí hơn 1,4 tỷ đồng cho các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất. Song đến nay cũng chưa thực hiện hỗ trợ được do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Dự kiến trong thời gian tới, khi có hướng dẫn, định mức, UBND các xã, thị trấn sẽ tổ chức thực hiện hỗ trợ cho 111 hộ mua máy nông nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Không riêng huyện Tủa Chùa, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương đều gặp vướng mắc. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn các huyện mới lập xong hồ sơ, đang trình các phòng chuyên môn của huyện thẩm định. Đối với nguồn vốn sự nghiệp thì còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể của các cấp. Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh mới đạt 10,67%, đặc biệt vốn sự nghiệp mới đạt 3,4%. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 6,7%, vốn sự nghiệp đạt 1,55%; chương trình giảm nghèo bền vững, vốn đầu tư đạt 13,4%, vốn sự nghiệp 8,1%; xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 13,1% và vốn sự nghiệp đạt 2,6%.
Mục tiêu thông qua các chương trình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 4% và tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 19,1%, tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao đạt 4,5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị và người dân trong việc thực hiện các chương trình. Tập trung thực hiện các dự án khởi công mới năm 2023; triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư toàn bộ các dự án khởi công mới còn lại để đảm bảo hoàn thành trước thời điểm giao kế hoạch vốn năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời xử lý những bất cập; nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư; xác định chặt chẽ danh mục, nội dung cần đầu tư, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế.