Chợ phiên ngày xuân

07:39 - Thứ Sáu, 27/01/2023 Lượt xem: 5651 In bài viết

ĐBP - Nếu như trước kia, đồng bào dân tộc Mông thường “vui xuân, đón tết” sớm hơn thời điểm tết Nguyên đán thì nay, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân đã tập trung đón tết cổ truyền của dân tộc giống như người Kinh. Chính vì vậy, khi những cánh hoa đào, hoa mận bắt đầu khoe sắc cũng là thời điểm người người, nhà nhà gác lại công việc trên nương đến chợ phiên du xuân, chuẩn bị mua sắm cho ngày tết.

Phụ nữ vùng cao vừa chọn đồ, vừa hỏi thăm cuộc sống của nhau tại phiên chợ.

Sau gần 2 năm tạm dừng họp chợ vì dịch Covid-19, vào những ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2022, đồng bào dân tộc Mông từ khắp các nẻo đường, làng bản lại trở về chợ phiên Ham Xoong, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) để giao lưu, mua bán, sẵn sàng cho ngày tết cổ truyền của dân tộc. Phiên chợ ngày xuân cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường với sắc màu rực rỡ của những trang phục truyền thống và tiếng nói cười náo nhiệt của người dân cũng như thương lái khi đến chợ.

Trong không khí náo nhiệt của những ngày cuối năm, ông Lý A Páo, Chủ tịch UBND xã Vàng Đán chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 6, chính quyền địa phương cho phép người dân mở chợ hoạt động. Đặc biệt là khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, người dân, thương lái đến chợ tham gia các hoạt động cũng đông đúc hơn; làm cho không khí ở phiên chợ Ham Xoong sôi động trở lại. Và cũng còn ít ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên giờ đây, bà con đến chợ phiên không chỉ giao lưu văn hóa mà còn tập trung buôn bán hàng hóa, các mặt hàng nông sản chuẩn bị đón tết. Điều đó khiến cho phiên chợ ngày xuân càng thêm rộn ràng, đem đến niềm vui, niềm mong chờ của bà con về một cái tết ấm no, hạnh phúc.

Ngày thường, phiên chợ Ham Xoong diễn ra từ sáng cho đến tận chiều; thu hút từ 300 - 400 người đến chợ thì ngày xuân, bà con đến đây lại càng đông vui hơn. Chị Sùng Thị Dính, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) chia sẻ: “Giờ đây, người dân địa phương cũng ăn tết Nguyên đán giống như người Kinh rồi. Những ngày giáp tết, người ta đã gác lại các công việc nhà nông để cùng rủ nhau đến chợ phiên mua đồ chuẩn bị tết; có người thì bán nông sản để có tiền mua sắm đồ đạc nên chợ cũng đông vui hơn những mùa khác”.

Gian hàng chợ phiên ngày xuân mang đậm sắc màu đặc trưng của dân tộc.

Ở chợ phiên cũng có đủ các loại nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng và đặc biệt là các sản vật vùng cao được đưa đến bày bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nơi đây. Nhiều người đến chợ không chỉ để trao đổi mua - bán, mà còn là gặp gỡ bạn bè, người thân và cùng tâm sự về những ngày tết sắp tới.

Sau khi giới thiệu những bộ trang phục dân tộc cho khách mua hàng, bà Giàng Thị Dí - người bán hàng ở chợ phiên Ham Xoong chia sẻ: “Sau 2 năm chờ đợi, nay chợ đã được mở và hoạt động trở lại, đây là niềm vui với người buôn bán như chúng tôi. Chủ nhật hàng tuần, tôi đều từ xã Nà Hỳ lên chợ phiên này bày bán trang phục dân tộc mình để giới thiệu và bán cho bà con ở đây. Trong những ngày xuân này, không khí tết thật nhộn nhịp. Đông người đến chợ xuân như vậy, tôi cũng hi vọng bán được nhiều trang phục hơn để gia đình mình có một cái tết đầy đủ và trọn vẹn...”.

Một mùa xuân mới sắp đến đã đem lại không khí rộn ràng và náo nức nơi chợ phiên Ham Xoong này. Sau những năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chợ phiên tạm dừng thì năm nay, niềm vui đã hiện hữu trở lại trên gương mặt của mỗi người khi đến phiên chợ ngày xuân. Phiên chợ năm nay rộn ràng hơn như dự báo trước về năm mới Quý Mão 2023 sẽ luôn ngập tràn niềm vui, đầm ấm đối với bà con ở các bản làng xã Vàng Đán nói riêng và người dân vùng cao toàn tỉnh nói chung mà không còn lo lắng lây lan dịch bệnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top