Chủ động phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

07:50 - Thứ Sáu, 10/02/2023 Lượt xem: 3286 In bài viết

ĐBP - Đẩy mạnh tiêm phòng cũng như tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là các biện pháp mà ngành Thú y tỉnh đã và đang triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Hộ chăn nuôi bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) chăm sóc tốt vật nuôi để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Gia đình anh Quàng Văn Sơn, bản Púng Tôm, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) là hộ chăn nuôi tổng hợp với đàn lợn gần chục con, 5 con trâu, bò và gần 100 con gà, vịt. Từ sự hướng dẫn, tuyên truyền của cán bộ thú ý xã, gia đình anh Sơn đã thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, tiêm phòng định kỳ, phun khử khuẩn đầy đủ và theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi cũng như tình hình dịch bệnh gia súc trên các phương tiện thông tin đại chúng để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

Để giúp người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, UBND TP. Điện Biên Phủ đã chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Thực hiện tăng cường cán bộ, viên chức bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình sản xuất chăn nuôi và việc triển khai phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Đội ngũ thú y cơ sở thường xuyên tới các hộ gia đình hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho đàn gia súc của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh vật nuôi; phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý việc nhập động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn và các trường hợp vi phạm khác để xử lý theo đúng quy định.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm có điều kiện bùng phát. Trong tháng 1/2023, sau khi phát hiện 1 con chó và 1 con mèo nghi dại tại xã Pú Xi và thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả 2 mẫu dương tính với vi rút dại. Đồng thời, thông báo ca mắc bệnh dại trên chó, mèo với cơ quan y tế và tuyên truyền, vận động 11 người bị chó, mèo dại cào, cắn tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại. Theo nhận định của Chi cục Thú y, mặc dù các trường hợp liên quan đến bệnh dại đã được kiểm soát kịp thời song nguy cơ tiếp tục xảy ra bệnh dại trong thời gian tới là rất cao bởi nhiều lý do, như: Công tác quản lý đàn chó mèo nuôi vẫn còn hạn chế, tình trạng chó thả rông vẫn còn phổ biến, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo nuôi đạt thấp và nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao. Cùng với đó, nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới cũng rất cao do vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ cao (chiếm 98%) khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 136.332 con trâu, 98.200 con bò, 60.902 con dê, 313.980 con lợn và gần 4,7 triệu con gia cầm. Để phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2023; chỉ đạo trạm thú y các huyện, thị, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào tỉnh, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch từ nơi khác đến. Đồng thời, làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm; tăng cường tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trái phép.

Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động phối hợp trong thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, cần thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi; thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc xin; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, để nuôi cách ly, điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top