Phát triển thủy sản bền vững khu vực lòng chảo

07:51 - Thứ Hai, 13/02/2023 Lượt xem: 3504 In bài viết

ĐBP - Việc phát triển thủy sản theo hướng bền vững ở khu vực lòng chảo Điện Biên đã mang lại những hiệu quả thiết thực, khai thác tốt tiềm năng, tạo việc làm và giúp hàng trăm hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Trần Văn Tiệp, thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên có hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Trần Văn Tiệp, thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) gồm 3 ao với tổng diện tích hơn 2,3ha mặt nước. Toàn bộ diện tích ao được ông Tiệp dùng để nuôi thả cá thương phẩm. Từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ, đến nay sản phẩm thủy sản của gia đình ông Tiệp đã vươn tới thị trường nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Lào. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí gia đình ông Tiệp thu 400 triệu đồng. “Để nuôi thủy sản có hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn các loại cá có sức chống chịu bệnh tốt. Đồng thời chú ý nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Trần Văn Tiệp chia sẻ.

Những năm gần đây, nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó diện tích nuôi thủy sản tập trung chủ yếu tại khu vực lòng chảo huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích năm 2022 là 1.638,28ha (chiếm 59,8% diện tích thủy sản toàn tỉnh).

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Khu vực lòng chảo có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản so với các khu vực khác trong tỉnh như: Khí hậu ổn định; diện tích mặt nước lớn, nguồn nước dồi dào; nhiều hồ thủy lợi; người sản xuất có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với các công nghệ, tiến bộ khoa học mới; giao thông đi lại thuận tiện đến các huyện trong tỉnh cũng như một số huyện thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu và 3 tỉnh Bắc Lào.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, những năm qua, phát triển thủy sản đã từng bước đóng góp nguồn thu khá trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 là 2.740,28ha, tăng 110ha so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4.565 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.285,03 tấn; sản xuất, ương dưỡng ước đạt 137,73 triệu con cá bột, cá hương và cá giống các loại.

Để phát triển thủy sản bền vững ở khu vực lòng chảo, cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều mô hình thủy sản tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Điển hình như mô hình “Ứng dụng công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc” được Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh thực hiện từ năm 2020. Công nghệ này cho phép các chất thải hữu cơ và quần thể vi sinh vật tồn tại trong ao nuôi, quá trình xáo trộn nước và sục khí duy trì sự hiện diện của các hạt floc. Hệ thống thổi khí đáy làm nhiệm vụ trộn đều nước từ tầng đáy lên tầng mặt; còn máy quạt nước sẽ tạo dòng nước chảy trong ao khi vận hành. Nhờ vậy, các hợp chất hữu cơ và vô cơ, như: Carbon, hydro, oxy, nitơ, phot pho được chuyển hóa thành sinh khối vi sinh vật, kích thích sự hình thành tế bào protein của vi khuẩn. Từ đó kiểm soát vi khuẩn gây bệnh cho cá. Qua 2 năm (2020 - 2022) ứng dụng nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện và giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, đối với khu vực lòng chảo tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước, các điều kiện thuận lợi khác cũng như cơ hội thị trường để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành tốt, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm các đối tượng nuôi đặc biệt là cá rô phi đơn tính; phát triển hình thức nuôi lồng bè tại các khu vực hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ngoài ra phát triển nuôi một số giống cá có giá trị kinh tế cao, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại một số khu vực có điều kiện phù hợp tại khu vực lòng chảo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất, ương dưỡng các loại giống thủy sản có chất lượng để cung cấp con giống tại chỗ.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top