Những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, mặt hàng rau quả đón nhận nhiều đơn đặt hàng hơn so với các nông sản khác. Hoạt động xuất khẩu rau quả sôi động trở lại, hứa hẹn có những đột phá mới trong thời gian tới. Tín hiệu tích cực này cùng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, rau quả Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế tại nhiều thị trường lớn, có giá trị cao.
Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD
Ngay từ những ngày đầu năm, việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhiều mặt hàng trái cây đã được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu chính ngạch. Đầu tháng 1-2023, Công ty cổ phần Banana Brothers Farm (tỉnh Đắk Lắk) đã xuất khẩu đơn hàng chính ngạch là 10 container chuối, trị giá trên 5 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết: Công ty đã thực hiện đơn hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; đồng thời xúc tiến thương mại, giới thiệu một số loại trái cây khác sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhận định năm 2023 hoạt động xuất khẩu trái cây có nhiều thuận lợi, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế đang có để tạo sức bật cho ngành rau quả, nhất là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Năm 2022, nhiều loại trái cây tươi như chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, bưởi, chanh của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand; nhãn tươi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản… Với những lợi thế như vậy, ngành rau quả đề ra mục tiêu, năm 2023 tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022 và dự kiến xuất khẩu rau quả có thể đạt giá trị tới 4 tỷ USD.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, thời điểm hiện tại, diện tích cây ăn quả cả nước đã đạt 1,21 triệu héc ta, tăng 41.300ha; sản lượng khoảng 18,68 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng hầu hết cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Xoài 1,022 triệu tấn, tăng 2,25%; bưởi 1,1 triệu tấn, tăng 6,73%; vải 376.000 tấn, tăng 1,2%; sầu riêng 836.300 tấn, tăng 24,1%; dứa 738.000 tấn, tăng 1,65%; chuối 2,48 triệu tấn, tăng 5,5%. Đây là nguồn hàng, nguồn nguyên liệu lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, ngành rau quả nước ta đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới bởi mẫu mã và chất lượng bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm; từ khâu trồng, quản lý đến sơ chế, chế biến đều có những chuyển động tích cực.
Về những giải pháp cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; đồng thời thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp trong thương mại quốc tế..., tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
“Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông sản, hải sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua cảng Thượng Hải. Dự kiến, diễn đàn sẽ được tổ chức trong tháng 4 tới tại Hà Nội”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm.
Bên cạnh những giải pháp về xúc tiến mở rộng thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến; gia tăng xuất khẩu các mặt hàng rau quả chế biến để tăng giá trị.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa nhận định: “Thị trường trái cây và rau quả chế biến của thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Vì thế, Bộ NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến. Đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần duy trì sản lượng và luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bởi đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường”.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại số. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tận dụng lợi thế từ các Nghị định thư, cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA đã được ký kết chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Do vậy, các vùng trồng rau quả cần tập trung tái cơ cấu sản xuất, chế biến để bảo đảm nguồn cung ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường nhập khẩu.