Phát huy hiệu quả kinh tế rừng

06:51 - Thứ Sáu, 17/02/2023 Lượt xem: 3387 In bài viết

ĐBP - Khi rừng được bảo vệ và nhân rộng diện tích không chỉ mang lại những giá trị to lớn đối với môi trường, mà còn giúp người dân có thêm thu nhập, thậm chí có những mô hình phát triển kinh tế từ rừng cho thu nhập cao. Việc phát triển kinh tế rừng còn là cách làm hữu hiệu góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Cán bộ nông nghiệp huyện Tuần Giáo kiểm tra vườn mắc ca của người dân xã Quài Nưa.

Loại cây đang đứng trong tốp đầu được lựa chọn để phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay là mắc ca. Mắc ca được xác định là cây đa mục đích, có khả năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn thông qua thu hoạch quả mắc ca lấy hạt.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng thí điểm cây mắc ca, gia đình ông Sùng A Mua, bản Quang Vinh, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) trồng 1.000m2. Ông Sùng A Mua cho biết: Gia đình tôi trồng mắc ca từ năm 2013. Sau 5 năm chăm sóc, trên 70% diện tích đã trổ hoa và bói quả. Mỗi năm gia đình thu hoạch và bán được trên 30 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 4.668ha mắc ca ở hầu hết các huyện và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, diện tích cho thu hoạch quả là 349ha, sản lượng quả tươi đạt khoảng 9,4 tấn/ha. Khi thu hoạch, người dân sẽ được hưởng 15% giá trị 1kg quả tươi. Trong khi đó, trung bình mỗi cân quả tươi hiện nay có giá 50 nghìn đồng. Như vậy, người dân tham gia trồng mắc ca thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm. Với cây mắc ca, những năm về sau năng suất thu hoạch quả càng tăng lên và vòng đời của cây lên tới 80 năm. Đây cũng là cây trồng mang lại lợi ích kép, vừa tạo hàng hóa cung cấp cho thị trường, tạo thu nhập, vừa góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Ngoài việc trồng tập trung tại các diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch, mắc ca còn có thể trồng tại vườn nhà hoặc trồng xen canh với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác.

Cùng với mắc ca, cao su cũng là cây đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Cây cao su đã được trồng từ năm 2008. Từ năm 2017, những diện tích trồng cao su đầu tiên cho khai thác mủ, năng suất bình quân đạt hơn 600kg/ha và sản lượng liên tục tăng qua các năm. Mặc dù kết quả ban đầu đạt được còn khiêm tốn, nhưng các công ty cao su trên địa bàn tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho cán bộ, người lao động và người dân. Cây cao su còn có thể khai thác gỗ sau khi hết chu kỳ lấy mủ.

Gia đình anh Lò Văn Mười, bản Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) có hơn 3ha góp đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Gia đình anh Mười còn được nhận vào Công ty để làm việc. Anh Mười cho biết: “Diện tích trước đây canh tác không hiệu quả, từ khi góp đất trồng cao su và được vào làm công nhân đi khai thác mủ thì thu nhập của gia đình tôi luôn ổn định ở mức 5 - 5,5 triệu đồng/tháng”.

Ngoài mắc ca, cao su, keo tai tượng cũng là loại cây được đưa vào trồng khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Loại cây này cho khai thác gỗ nguyên liệu. Năm 2022, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 1 dự án trồng rừng sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến gỗ dăm tại huyện Mường Chà với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm.

Việc phát triển kinh tế rừng ở Điện Biên trong những năm gần đây đã được người dân quan tâm, tham gia nhiều hơn do đã có nhận thức đúng đắn về những giá trị kinh tế từ rừng. Nhất là các chính sách hỗ trợ về bảo vệ, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại thu nhập cho người dân. Ngoài việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, người dân đã tích cực mở rộng diện tích rừng trồng; tham gia các dự án trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp... để tạo nguồn thu nhập từ kinh tế rừng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top