Phát triển kinh tế hợp tác xã ở Mường Nhé

09:05 - Thứ Tư, 01/03/2023 Lượt xem: 3259 In bài viết

ĐBP - Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ được huyện Mường Nhé quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Nhờ đó các HTX trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và lao động tại địa phương.

Thành viên HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân thu hoạch bí xanh.

HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân (địa chỉ tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) thành lập năm 2021 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Dù được thành lập chưa lâu, số lượng thành viên không nhiều song với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính vùng miền nên thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, trung bình từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho hội viên, HTX đã liên kết với 3 xã: Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội. Hiện nay, với diện tích 1,2ha bí (trồng 2 vụ/năm), HTX thu hoạch khoảng 150 tấn/năm. Giá bí xanh trung bình từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao từ 18 - 20 nghìn đồng/kg đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX. Bên cạnh đó, mới đây, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Thời gian qua, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là với HTX, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình hoạt động HTX trên địa bàn huyện Mường Nhé. Kết quả cho thấy HTX trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả rõ nét. Số HTX thành lập mới phát triển nhanh và hoạt động ngày càng đa dạng, nỗ lực vươn lên, đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề. Ngoài ra, các HTX còn tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự khu vực, góp phần phát triển kinh tế ổn định, giảm nghèo cho người dân tại vùng sản xuất.

Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, đổi mới của HTX còn có sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền các cấp huyện Mường Nhé. Các HTX từng bước phát huy vai trò trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 13 HTX với tổng số thành viên là 107 người. Trong đó 5 HTX mới thành lập (1 HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu, 1 HTX gai xanh Mường Nhé, 1 HTX nông nghiệp, 2 HTX dịch vụ trồng và chế biến quế).

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hoá. Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện chú trọng gặp gỡ, đối thoại về chính sách xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo 11/11 xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động. Từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển các HTX. Huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực đổi mới, xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chủ động đa dạng hóa đối tượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top