Theo kết quả cuộc họp mới đây do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, kể từ ngày 6-3, hệ thống ngân hàng sẽ có đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay và giảm áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay và giảm áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là: Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần khác giảm 0,5%/năm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, sự đồng thuận được các ngân hàng thương mại thống nhất tại một cuộc họp gần đây nhằm hạ chi phí đầu vào và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Việc đồng thuận này nhằm kéo mặt bằng lãi suất đi xuống để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Như vậy, đây là lần thứ 2, các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất. Trước đó, cuối năm 2022, các ngân hàng từng đồng thuận để kéo lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm gồm cả khuyến mại, ưu đãi.
Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho rằng, động thái giảm lãi suất lần này đặc biệt hơn giai đoạn trước rất nhiều bởi lãi suất cho vay giảm trước và giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Lãi suất huy động có thể giảm 0,5% trên toàn hệ thống, nhưng lãi suất cho vay thực tế đã giảm từ 1 - 2% trong vài tuần qua. Tức là ngân hàng đã chấp nhận hy sinh quyền lợi trước khi giảm lãi suất huy động. Lãi suất không chỉ giảm với doanh nghiệp, mà giảm với các khách hàng cá nhân.