Nhiều nghề, làng nghề hoạt động kém hiệu quả

09:13 - Thứ Hai, 06/03/2023 Lượt xem: 4649 In bài viết

ĐBP - Một số nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh những năm qua có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghề, làng nghề sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ; hạ tầng, công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường…

Nghề thêu giày của người Xạ Phang, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa ngày càng ít người trẻ học hỏi, theo nghề.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 46 nghề và các làng nghề; tập trung 3 nhóm, gồm: nhóm chế biến nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, sợi, thêu ren. Ngoài 4 nghề, làng nghề đã được công nhận theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ (làng nghề bánh khẩu xén, bánh chí chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); nghề thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), toàn tỉnh còn khoảng 42 nghề, làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí theo quy định nhưng chưa được công nhận. 

Bên cạnh một số ít nghề, làng nghề được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, có thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/lao động/tháng như: Nghề làm bánh khẩu xén tại TX. Mường Lay; nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên... còn lại hầu hết hoạt động không hiệu quả, thậm chí dừng hoạt động. Đa số các sản phẩm vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các làng nghề chưa tạo ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính độc quyền để đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo của sản phẩm.

Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông thời gian qua hoạt động rất khó khăn do khó tìm thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu cao. Thu nhập thấp, không ổn định khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề. Tương tự, nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) dù đã có từ lâu đời và đã được công nhận theo quy định, nhưng các sản phẩm chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Việc phát triển sản phẩm gặp khó khăn, thu nhập thấp, chủ yếu làm theo thời vụ. Hay làng nghề thêu ren thổ cẩm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên); nghề dệt thổ cẩm ở bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) đã tạm dừng hoạt động do không có đơn đặt hàng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nghề và làng nghề chủ yếu vẫn làm theo hình thức thủ công, tự phát, quy mô nhỏ; các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu (chiếm tỷ lệ 95%). Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong các nghề, làng nghề còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển cầm chừng, chưa bền vững; một số nghề truyền thống có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại. Trong khi đó, lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, phần lớn do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng... Vì vậy, thu nhập của các cơ sở, hộ gia đình tại các nghề, làng nghề còn thấp.

Bên cạnh đó, tính liên kết trong sản xuất nghề và làng nghề còn rất nhiều hạn chế, thể hiện tại nhiều hợp tác xã hoạt động mang tính hình thức, chưa gắn kết với các hộ sản xuất trong làng nghề. Nguồn nguyên liệu cho các nghề, làng nghề đang bị suy giảm, thậm chí cạn kiệt do khai thác quá mức, thiếu tổ chức. Hầu hết đều thiếu nguyên liệu tại chỗ, phải nhập từ nơi khác đến hoặc nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, sức cạnh tranh giảm. Đơn cử như nguồn nguyên liệu tre, nứa để làm các sản phẩm mây tre đan hiện nay chỉ còn một số ít ở khu vực rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Mường Nhé. Vì vậy các sản phẩm làm từ mây không có nguyên liệu để sản xuất, phải sử dụng dây nhựa thay thế, làm mất giá trị truyền thống của sản phẩm.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các nghề, làng nghề, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án trong đó giai đoạn 2023 - 2025 khôi phục ít nhất 3 nghề truyền thống; công nhận mới 12 nghề truyền thống, 4 làng nghề và làng nghề truyền thống; phát triển ít nhất 6 nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch; có ít nhất 1 làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu làng nghề… Để đạt mục tiêu đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng là phát triển liên doanh, liên kết; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển văn hóa, du lịch; chú trọng phát triển lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top