Người dân và doanh nghiệp gặp khó do vật liệu tăng giá

07:36 - Thứ Hai, 13/03/2023 Lượt xem: 4183 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như: Sắt, thép, cát, đá... liên tục tăng, khiến người dân và doanh nghiệp thi công công trình gặp khó khăn. Do bị “đội giá” nhiều nhà đầu tư đành lùi thời gian hoặc tạm ngừng thi công, cắt giảm các chi phí nhằm bù lỗ.

Một công trình nhà ở dân dụng tại TP. Điện Biên Phủ do tổ thợ của ông Vũ Công An thi công.

Hiện nay, cùng với giá nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường tiếp tục biến động tăng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giá thép xây dựng tăng từ 950 đồng/kg - 1.000 đồng/kg. Giá bán lẻ các loại thép Thái Nguyên cuộn phi 6, phi 8 tại TP. Điện Biên Phủ là 19,4 triệu đồng/tấn; tôn lợp Việt Nhật giá 100.000 - 110.000 đồng/m2; tôn lợp chống nóng Việt Nhật giá 160.000 - 170.000 đồng/m2; thép hộp mạ kẽm 2x4 độ dày 1mm giá 150.000 - 155.000 đồng/cây...

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng tăng cao buộc các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên để bù đắp chi phí. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới đang còn nhiều bất ổn, dịch bệnh, xung đột, giá dầu tăng, giao thương, vận chuyển khó khăn. Dự báo thời gian tới, việc tăng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 từ 20 - 25% so với năm 2022 làm nhu cầu đầu tư công vào các dự án hạ tầng tăng sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng; cộng theo giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động làm giá thép trong nước tiếp tục tăng.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng D2T (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Hiện nay, các công trình xây dựng chủ yếu được đơn vị thực hiện theo hình thức trao tay. Thông thường giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án nên việc giá thép tăng như hiện nay đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Đó là chưa kể đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, xi măng cũng như giá nhân công cũng đồng loạt tăng giá, gây áp lực cho nhà thầu. Trong khi đó, nhiều công trình giá trị xây dựng thường được chủ đầu tư và nhà thầu đàm phán, ký kết cả năm trước khi tiến hành. Dù Công ty đã khảo sát thị trường, tính đến yếu tố tăng giá nhưng cũng khó lường hết được; trong khi chi phí nguyên vật liệu chiếm 65 - 70% giá trị dự toán xây dựng công trình.

Còn ông Vũ Công An, chủ thầu xây dựng công trình nhà ở dân dụng tại TP. Điện Biên Phủ cho biết: Sau khi dịch bệnh Covid-19 ổn định, chúng tôi tái khởi động hoạt động sản xuất và nhận được nhiều công trình xây dựng nhà ở. Hiện nay, tôi đang thi công 3 công trình nhà ở dân dụng tại khu vực tái định cư sân bay. Tuy nhiên, giá vật liệu trong đó có giá thép liên tục tăng đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ.

Giá nguyên vật liệu tăng liên tục không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trực tiếp tác động đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thi công, xây dựng mà vấn đề này còn ảnh hưởng dây chuyền tiến độ thi công của hàng loạt công trình xây dựng trọng điểm. Đối với các công trình nhà ở thương mại, giá nguyên vật liệu, chi phí xây dựng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp vào giá thành nhà đến tay người mua. Bởi trong giá bất động sản, ngoài giá đất, các loại thuế phí thì chi phí xây dựng, trang thiết bị, vật liệu xây dựng luôn là yếu tố quan trọng. Theo ghi nhận, giá thép tăng vào thời điểm nhiều công trình nhà ở dân dụng bắt đầu vào mùa xây dựng (mùa khô) đã khiến người dân gặp khó. So với thời điểm cuối năm 2022, chi phí sắt thép tăng vài chục triệu đồng/công trình nhà ở. Các loại vật liệu khác như cát, gạch đá... cũng tăng dần khiến chi phí đội lên nhiều. Cụ thể, giá cát đen để xây dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/m3, tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/m3; giá cát vàng dùng trộn bê tông dao động từ 580.000 - 650.000 đồng/m3, tăng khoảng 50.000 đồng/m3; sỏi, đá dùng trộn bê tông có giá dao động từ 480.000 - 550.000 đồng/m3, tăng khoảng 40.000 - 60.000 đồng/m3.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top