ĐBP - Do nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững) năm 2022 phân bổ muộn (cuối tháng 5/2022) nên Chính phủ đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023. Sau khi được phân bổ vốn, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn các chương trình này (chưa bao gồm nguồn vốn năm 2023) vẫn rất chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Năm 2022, tỉnh Điện Biên được phân bổ gần 1.152 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 477,8 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững hơn 486,7 tỷ đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 187,4 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch đầu tư công vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 được phân bổ hơn 1.176 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 632,5 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững gần 436 tỷ đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 108 tỷ đồng.
Huyện Mường Chà là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao.
Ông Nguyễn Gia Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình huyện Mường Chà cho biết: Mặc dù nguồn vốn tỉnh phân bổ muộn, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, huyện đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Căn cứ mục tiêu của các chương trình để rà soát, đánh giá thực trạng, tiến độ triển khai, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây chậm trễ trong triển khai thực hiện các dự án; lập biểu tiến độ triển khai dự án và kế hoạch thực hiện nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm. Nhờ đó, đến hết tháng 1/2023, trong khi một số địa phương chưa thực hiện giải ngân được các nguồn vốn này, thì huyện Mường Chà tỷ lệ giải ngân đạt 39% (trong đó giải ngân chương trình giảm nghèo bền vững đạt 53%; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 21% và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 81%).
Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đặc biệt, đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương tiến độ thực hiện giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn rất chậm. Tính đến hết tháng 1/2023, tỷ lệ giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia toàn tỉnh mới đạt 55,43% kế hoạch vốn giao (chưa bao gồm nguồn vốn phân bổ năm 2023). Trong đó, đạt cao nhất là chương trình giảm nghèo bền vững với 66,7%; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 41,7% và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt gần 61% kế hoạch vốn.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân đã được nhận diện. Cụ thể là một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành trung ương gây khó khăn, lúng túng cho địa phương, thậm chí có hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế. Nhiều nội dung công việc quan trọng phải chờ các bộ, ngành có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể. Một số dự án thiếu hướng dẫn, chưa có định mức hỗ trợ; thiếu hướng dẫn với các thôn, xã vùng miền núi dân tộc thiểu số sau khi sáp nhập... Một số trình tự, thủ tục còn rườm rà, làm tăng thời gian triển khai dự án. Vốn được giao năm 2023 và vốn được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ năm 2022 khá lớn, tạo áp lực đối với việc triển khai và giải ngân.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, quá trình triển khai thực tiễn thì các chủ đầu tư và địa phương đều làm theo kiểu vừa làm vừa đợi hướng dẫn từ các bộ, cơ quan chủ quản từng chương trình. Việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, tác động của dịch bệnh, biến động giá nguyên vật liệu tăng, khan hiếm xăng dầu... đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án tại một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; chất lượng hồ sơ dự án do một số đơn vị tư vấn lập còn chưa đảm bảo, chủ đầu tư thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Cùng với đó, các dự án đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và nguồn vốn năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành đơn vị trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Đối với các dự án đã có khối lượng khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để làm thủ tục thanh toán. Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.