Thủ tướng Chính phủ gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài

12:44 - Thứ Bảy, 22/04/2023 Lượt xem: 2905 In bài viết

ĐBP - Sáng 22/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành và 180 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua. Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật để bảo vệ những người làm ăn chân chính, có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/04/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 20/04/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Chính phủ luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả; tiếp tục rà soát cải thiện môi trường đầu tư, nhất quán trong thực thi chính sách; có giải pháp linh hoạt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường, đặc biệt là đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chính phủ đang nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội vào kỳ họp tới đây về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng tối ưu nhất vừa thực hiện chính sách của OECD, hài hòa lợi ích các bên và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top