Bài 3: Để nghị quyết đi vào cuộc sống
ĐBP - Cuộc giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục: Từ cơ chế chính sách, hướng dẫn đến khâu tổ chức thực hiện, để chính sách phát huy hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Điều chỉnh, bổ sung chính sách
Qua giám sát trực tiếp tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo đã cho thấy: Hiệu quả chính sách chưa tương xứng với kinh phí đã thực hiện. Chính sách hỗ trợ còn dàn trải, một số nội dung hỗ trợ có định mức thấp nên chưa nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp như: Hỗ trợ dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ nuôi cá tầm, cá hồi vân trong bể xây; chuyển đổi đất nương sang trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh… Một số nội dung hỗ trợ chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế và định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 như: Cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng phối giống trực tiếp; hỗ trợ thiến trâu, bò đực không đủ tiêu chuẩn làm con giống… Trong khi đó, một số nội dung các địa phương có nhu cầu thực hiện, phù hợp với thực tiễn và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nhưng chưa được quy định trong chính sách như: Tái canh cây cà phê, ghép cải tạo vườn tạp, hỗ trợ cây thức ăn cho gia súc…
Khẳng định việc ban hành chính sách hỗ trợ là cần thiết, song chính quyền các huyện đều kiến nghị HĐND tỉnh cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế và định hướng tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Vì vậy UBND huyện kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung chính sách “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ tập trung theo hình thức quây nhốt tại các bãi chăn thả”. Đối tượng hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi. Điều kiện hỗ trợ, HTX hoặc tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi (từ 3 thành viên trở lên) có diện tích đất và gia súc ăn cỏ để thành lập khu chăn nuôi tập trung. Diện tích đất phải liền kề thành một khu bãi chăn thả, nuôi nhốt, trồng cỏ, ngô sinh khối, tối thiểu 3 - 5ha tập trung trở lên; số lượng tối thiểu từ 20 - 30 con gia súc ăn cỏ trở lên. Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua hàng rào, giống cỏ; 50% kinh phí xây dựng chuồng trại; mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/HTX, tổ, nhóm.
Từ điều kiện thực tế, huyện Điện Biên đề nghị HĐND tỉnh bổ sung nội dung hỗ trợ đặc thù để phát triển sản xuất lúa gạo cánh đồng Mường Thanh gắn với phát triển du lịch.
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Những năm gần đây, huyện Điện Biên đã và đang chú trọng phát triển lúa gạo gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp trên địa bàn. Đề nghị HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ san gạt đồng ruộng bằng máy không quá 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ cải tạo đất sau san gạt 5 triệu đồng/ha/vụ sản xuất và hỗ trợ không quá 3 vụ/đơn vị diện tích; hỗ trợ 100% kinh phí đo đạc, chỉnh lý biến động hỗ trợ địa chính; cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ có diện tích dồn điền, đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai cho Ban quản lý cấp xã, HTX hoặc Ban phát triển thôn, bản thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Nâng cao trách nhiệm các bên
Tại buổi làm việc với HĐND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn thẳng thắn nhìn nhận: “Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên là rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai, công tác chỉ đạo điều hành, hướng dẫn triển khai thực hiện tại một số nơi chưa thực sự tốt, dẫn đến hiệu quả chính sách chưa tương xứng với nguồn kinh phí hỗ trợ.”
Đối với chính quyền cấp huyện, xã thì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến với Nhân dân chưa tốt; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện còn hạn chế. Thậm chí có nơi, người đứng đầu chính quyền cơ sở chưa nắm chắc các chính sách hỗ trợ, thiếu sự phối hợp, thống nhất.
Được giao chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai chính sách, tuy nhiên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện. Trong 4 năm, Sở mới tiến hành 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Điện Biên, Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ và TX. Mường Lay. Nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, còn chung chung; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, kịp thời nên một số huyện dùng nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đúng. Đơn cử như, 2 huyện: Điện Biên Đông và Mường Chà hỗ trợ tiền công, vật tư, bảo hộ, dụng cụ tiêm phòng, công phun hoá chất sát trùng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong khi nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ này sử dụng ngân sách cấp huyện. Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành để tham mưu, đề xuất nội dung hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện chưa chặt chẽ; công tác tham mưu điều chỉnh, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật chưa kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 05 vẫn còn 8/23 nội dung hỗ trợ chưa thực hiện được.
Trước những tồn tại, bất cập nảy sinh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương khẳng định: “Việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND là cần thiết, phù hợp trong bối cảnh tỉnh Điện Biên đang tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức tổng kết 4 năm (2019 - 2022) thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá những nội dung hỗ trợ thiết thực hiệu quả, những nội dung chưa sát thực tế; vai trò, trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng chính sách... Từ đó đề xuất xây dựng chính sách mới sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất để kịp thời xem xét toàn diện. Giao các sở, ngành sớm xây dựng chính sách mới phù hợp với tình hình sản xuất, canh tác hiện tại của từng địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nội dung hỗ trợ không chồng chéo, trùng lặp và phải kết hợp được với các chính sách khác đang được triển khai trên địa bàn để phát huy hiệu quả nguồn kinh phí.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, xây dựng, bổ sung các nội dung chính sách theo yêu cầu của HĐND tỉnh sau giám sát. Chính sách này sẽ được UBND tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và thông qua tại cuộc họp UBND tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.