Đảm bảo đầu ra cho nông sản

08:29 - Thứ Hai, 24/04/2023 Lượt xem: 2776 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có thế mạnh phát triển nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao. Hiện nay toàn tỉnh có 56 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản vẫn luôn là trăn trở với người nông dân, tình trạng “được mùa mất giá” hầu như năm nào cũng xảy ra.

Sản phẩm bánh khẩu xén của TX. Mường Lay khó khăn trong việc phát triển, tiêu thụ.

Năm 2021, nhiều hộ nông dân trồng các loại rau (su hào, bắp cải, cà chua) trên địa bàn tỉnh lao đao vì giá bán thấp kỷ lục: 500 đồng/kg cà chua; 1.000 đồng/kg bắp cải, su hào... thậm chí cho không ai lấy. Người trồng rau cho rằng chưa năm nào giá rau thấp đến vậy, không đủ tiền công thu hoạch đưa đi bán, nhiều hộ bỏ mặc rau ngoài đồng không thu hoạch, một số hộ tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Năm 2022, sa nhân tím là một trong những loại cây được kỳ vọng sẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh xóa đói, giảm nghèo. Nhưng do ảnh hưởng bởi công tác phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của quả sa nhân tím bị gián đoạn, giá bán liên tục xuống thấp khiến người trồng loại dược liệu này gặp nhiều khó khăn; nhiều người trồng còn không thu hoạch vì tiền bán không đủ tiền công, chi phí. Những năm trước, quả sa nhân tím được tư thương thu mua với giá trung bình từ 50 - 70 nghìn đồng/kg quả tươi. Năm 2022, giá giảm xuống chỉ còn 14 nghìn đồng/kg.

Trên đây chỉ là hai liệt kê tiêu biểu, ngoài ra còn nhiều mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhất là khi được mùa. Một trong những nguyên nhân là hiện nay sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ; trình độ sản xuất thấp nên khó khăn trong việc thực hiện các quy định chung; thiếu gắn kết giữa hộ sản xuất với cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh; chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Một số cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa chủ động được nguồn cung cấp thực phẩm, nhất là các chuỗi rau an toàn, sản lượng không ổn định; trong khi một số sản phẩm đầu ra chưa ổn định nên không khuyến khích được người sản xuất đầu tư phát triển chuỗi.

Ngoài ra, tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm xác nhận an toàn trên địa bàn chưa lớn do giá sản phẩm được xác nhận thường cao hơn sản phẩm chưa có xác nhận và người tiêu dùng chưa thực sự hiểu và tin vào sản phẩm xác nhận chuỗi. Kinh phí cho việc thực hiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản rất hạn hẹp. Chưa có kinh phí hỗ trợ cho việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn.

Để giải “bài toán” này, thời gian qua tỉnh Điện Biên xác định xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp nhằm giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận kỹ thuật trồng trọt mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông sản. Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao, dần kiểm soát được giá cả sản xuất… Đến nay, toàn tỉnh đã có 23 chuỗi cung ứng sản phẩm được xác nhận. Sau khi được xác nhận chuỗi, sản phẩm được đóng gói đúng quy cách, có tem nhãn nhận diện sản phẩm, dễ quảng bá thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm. Đối với công đoạn chế biến sâu, chế biến tinh công nghiệp, để giảm mức tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị nông sản, thời gian qua tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến như: Cơ sở chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty TNHH Trường Hương Điện Biên gắn với hệ thống kho bảo quản...

Cùng với đó, thời gian qua các sở, ngành, địa phương có những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thực hiện xúc tiến thương mại, ngành Công Thương tỉnh đã triển khai quảng bá các sản phẩm nông sản bằng nhiều hình thức. Đối với kênh bán hàng truyền thống, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử. Đến nay toàn tỉnh đã đưa gần 500 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top