Phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô

14:37 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 2574 In bài viết

ĐBP - Thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài kết hợp với gió Lào khiến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, chủ rừng và người dân tích cực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế thiệt hại về rừng do cháy đến mức thấp nhất.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt, dọn thực bì đảm bảo an toàn PCCCR.

Vào khoảng 13 giờ 40 phút, ngày 19/4, tại xã Hua Thanh (huyện Điện Biên), người dân phát hiện một đám cháy lớn thuộc khoảnh 9, tiểu khu 701. UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ và người dân địa phương với gần 140 người tham gia chữa cháy. Đến khoảng 16 giờ đám cháy được khống chế. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, diện tích đám cháy khoảng 1,2ha là đất trống có cây gỗ tái sinh chủ yếu là cây bụi và cây chuối, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Bên cạnh sự chủ động của xã, khi nhận tin báo UBND huyện đã huy động thêm lực lượng hỗ trợ chữa cháy. Đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt. Tuy diện tích cháy nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng nhưng nếu đám cháy không được phát hiện sớm, chủ động chữa cháy kịp thời thì nguy cơ cháy lan vào diện tích rừng sản xuất giáp ranh rất lớn, khi đó thiệt hại không thể lường trước được.

Tổ dân phố 2 (thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông) có 160 hộ dân được giao quản lý, bảo vệ gần 121ha rừng khoanh nuôi tái sinh và hơn 6,9ha rừng phòng hộ. Anh Cháng A Vàng, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thành viên tổ PCCCR cho biết: Theo kế hoạch quản lý, bảo vệ và PCCCR của tổ được xây dựng từ đầu năm, mỗi tháng tổ cắt cử 3 nhóm luân phiên đi tuần tra rừng 3 lần/tháng. Tuy nhiên, thời điểm này nguy cơ cháy rừng cao, tổ đã tăng cường thêm người và tăng số lượng tuần tra rừng lên 5 - 6 lần/tháng. Trong đó đặc biệt chú trọng tuần tra và chủ động các phương án PCCCR tại khu vực giáp ranh với xã Keo Lôm. Bởi vì khu vực này là bãi chăn thả trâu, người dân thường xuyên đốt cây bụi cho cỏ mọc nên nhiều nguy cơ cháy lan vào rừng. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay toàn bộ diện tích rừng do tổ quản lý đều an toàn.

Mùa khô hanh năm nay, huyện Điện Biên Đông xác định có 7 vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, tập trung ở các xã: Xa Dung, Phì Nhừ, Pú Hồng, Tìa Dình, Keo Lôm, Háng Lìa. Đây là những xã có tỷ lệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất lớn. Trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng cường tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng và phân công lực lượng trực PCCCR liên tục 24/24 giờ.

Ông Nguyễn Trung Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: Bên cạnh việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, đơn vị cũng tăng cường cán bộ xuống các địa bàn, trung bình mỗi xã có từ 1 - 2 cán bộ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần được giao quản lý. Đồng thời, 107 tổ, đội PCCCR cấp thôn, bản, tổ dân phố với 1.261 thành viên đã được củng cố góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống do cháy rừng gây ra. Từ đầu mùa khô đến nay, toàn huyện xảy ra 2 vụ cháy rừng tại xã Keo Lôm và Háng Lìa, song nhờ phát hiện sớm và tổ chức ứng cứu kịp thời nên các vụ cháy đều được dập tắt nhanh chóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, quý I/2023, toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Thời điểm từ giữa tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao, nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng.

Để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tăng cường công tác PCCCR. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của rừng; khuyến khích, động viên người dân tham gia quản lý, bảo vệ, PCCCR. Ban Chỉ huy PCCCR các cấp rà soát phương án PCCCR, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì trong thời điểm cao điểm. UBND cấp xã, các chủ rừng trên địa bàn củng cố, kiện toàn các tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR tại cơ sở; hướng dẫn, quản lý chặt chẽ người dân trong việc đốt dọn nương. Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, ứng dụng công nghệ để phát hiện sớm các đám cháy và triển khai các phương án ứng cứu kịp thời.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top