Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững (bài 3)

08:49 - Thứ Sáu, 28/04/2023 Lượt xem: 2927 In bài viết

Bài 3: Cần đồng bộ các giải pháp

ĐBP - UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát đưa đề án trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt. Vấn đề là khâu tổ chức thực hiện như thế nào để chuyển hóa hiệu quả vào thực tế.

Bài 1: Loay hoay trong “ao làng”

Bài 2: Chủ thể kinh tế vẫn “tự bơi”

Hộ kinh doanh Lường Thị Ọi giới thiệu và bán sản phẩm thịt trâu gác bếp Chung Phước - sản phẩm OCOP 3 sao tại hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh.

Xây dựng ý tưởng, phát huy nội lực

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh chủ yếu được triển khai theo hình thức chuyển hóa sản phẩm có sẵn thành sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh chưa có nhiều sản phẩm OCOP được xây dựng xuất phát từ ý tưởng của người dân và người dân tự huy động nguồn lực để phát triển ý tưởng. Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh: Các sản phẩm OCOP được xây dựng từ ý tưởng của người dân, chủ thể kinh tế luôn có tính bền vững cao. Các mối liên kết trong sản phẩm rất chặt chẽ.

Để làm điều này, trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của OCOP. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiến tạo môi trường sáng tạo, gợi mở những ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp cho người dân, chủ thể kinh tế. Người dân đề xuất, đăng ký các ý tưởng phát triển các sản phẩm lên chính quyền cấp xã. UBND cấp xã tổng hợp, đánh giá và lựa chọn những ý tưởng tốt, khả thi và trình lên cấp huyện. Hội đồng cấp huyện đánh giá, lựa chọn các ý tưởng sau đó quay trở lại hỗ trợ cộng đồng, chủ thể xây dựng kế hoạch phát triển ý tưởng theo từng bước, đảm bảo chu trình đánh giá sản phẩm OCOP.

Để người dân tự tin, mạnh dạn theo đuổi các ý tưởng phát triển sản phẩm, các cơ quan chuyên môn cần tổ chức tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng sản xuất, kết nối các nguồn lực; hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực…

Sản phẩm Cực tây - Hà Nhì trà của HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân bắt nguồn từ búp chè dưới tán rừng được người dân Hà Nhì 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé) thu hái, phơi và pha nước uống hàng ngày. HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân, xã viên là các hộ dân người Hà Nhì đã đề xuất ý tưởng, dày công nghiên cứu, chế biến từ sản phẩm trà thô thành sản phẩm chè túi lọc. Năm 2022, sản phẩm Cực tây - Hà Nhì trà được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân cho biết: HTX và các hộ dân có mối liên kết rất chặt chẽ. Hai bên đã đồng hành cùng nhau từ khâu tìm ý tưởng. Hiện nay, HTX đã và đang chuyển giao, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây chè dưới tán rừng, vận động người dân mở rộng vùng nguyên liệu. Đến nay, vùng nguyên liệu sản phẩm đạt khoảng 200ha. Cực tây - Hà Nhì trà là sản phẩm mới song rất được khách hàng đón nhận, sử dụng. Năm 2023, HTX dự kiến doanh thu tăng gấp 2 lần năm 2022, với khoảng 4.000 - 5.000 hộp trà được bán ra thị trường.

Thực tế cho thấy, khi sản phẩm OCOP được xây dựng từ ý tưởng của người dân, chủ thể kinh tế sẽ giải quyết cơ bản những hạn chế về liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu bởi hai bên đã đồng hành từ khi đề xuất ý tưởng và cùng xây dựng sản phẩm trên cơ sở ý tưởng đó.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu và bền vững cần thực hiện tốt nhiều yếu tố: Hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình; phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương; nâng cao trình độ quản lý, xây dựng triển khai chương trình OCOP; đảm bảo vùng nguyên liệu; có liên kết bền vững; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ ổn định.

Một yêu cầu quan trọng khác là tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP. Nếu cơ sở nào vi phạm, không còn đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP thì tham mưu UBND tỉnh thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP bền vững. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong phát triển các sản phẩm OCOP. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ các chủ thể kinh tế mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết sản xuất bền vững; có giải pháp đột phá trong xúc tiến thương mại, góp phần mở rộng thị trường. Đặc biệt là tăng cường áp dụng công nghệ để chuyển đổi số - được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị.

Thực tế tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo... đã tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là một cách chủ động đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống. Vì thế, việc chuyển đổi số là tất yếu để các sản phẩm OCOP có thêm nhiều cơ hội “bay xa” hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay năng lực, tổ chức bộ máy của các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, cần sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đơn cử là hiệu quả mang lại sau khi Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện tỉnh và Công ty Cổ phần bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn. Đến nay, tại sàn PostMart.vn đã có 787 hộ sản xuất được kích hoạt tài khoản; 129 gian hàng được khởi tạo và có 51 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Đối với sàn Voso.vn đã có trên 100 gian hàng và trên 100 sản phẩm lên sàn.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Huyện hiện có 12 sản phẩm OCOP, gồm 2 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Giai đoạn tới, huyện Điện Biên sẽ không chạy theo số lượng mà sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hướng vào chiều sâu sản phẩm. 100% sản phẩm duy trì và tăng xếp hạng. UBND huyện đang kiểm tra, rà soát để hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng liên kết sản xuất chặt chẽ, bền vững từ khâu sản xuất đến khâu thiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân, chủ thể kinh tế tham gia đề xuất ý tưởng tham gia chương trình OCOP.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top