Đưa điện về bản - hiện thực hóa “Bừng sáng Điện Biên”

08:23 - Thứ Hai, 08/05/2023 Lượt xem: 2152 In bài viết

ĐBP - “Điện Biên đã giải phóng gần 70 năm, nhưng vẫn còn một số bản chưa có điện lưới quốc gia. Đề nghị các ngành phối hợp với địa phương tập trung nguồn lực triển khai các dự án kéo điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa cho người dân thụ hưởng” - đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc tại Điện Biên diễn ra đầu tháng 4. Đây cũng là điều mà Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” hướng đến - mang ánh điện thắp sáng các bản làng xa xôi, “thắp sáng” cuộc sống người dân vùng cao.

Các điểm trường mầm non tại 4 bản vùng cao của xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia hay các nguồn năng lượng thay thế, phòng học cũng không có điện thắp sáng. Để đảm bảo dạy học, chăm sóc trẻ, giáo viên tại điểm bản Huổi Anh phải chủ động mang máy tính cá nhân nhằm tăng cường thêm hình ảnh, âm nhạc cho các giờ học và chơi.

Để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tỉnh ta đã phát động Chương trình “Bừng sáng Điện Biên”. Thực tế, toàn tỉnh hiện còn hơn 13.300 hộ dân, thuộc 168 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trọng yếu về an ninh quốc phòng chưa được sử dụng điện lưới quốc gia (chiếm gần 8% số hộ toàn tỉnh) - là một trong những tỉnh có tỉ lệ dân số chưa được sử dụng điện lưới quốc gia cao nhất cả nước. Hệ thống lưới điện quốc gia cấp điện cho tỉnh Điện Biên vẫn là mạch đơn, nên việc cấp điện thiếu ổn định, công suất truyền tải hạn chế, nên chưa khai thác kịp thời các tiềm năng phát triển.

Vì thế, Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” xác định khai thác tối đa tiềm năng phát triển nguồn điện trên địa bàn, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2024 xây dựng hệ thống điện nông thôn, đưa điện thắp sáng đến 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh với trên 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Cùng với đó hoàn thiện mạch vòng 110kV đảm bảo cấp điện ổn định cho các huyện và TP. Điện Biên Phủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng.

Điện là mong mỏi, nguyện vọng của nhiều bản làng vùng cao. Tại địa bàn huyện Tuần Giáo còn 21/177 bản với tổng số hơn 1.500 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. UBND huyện đã lập danh sách gửi Sở Công Thương tổng hợp để trình UBND tỉnh đưa vào danh mục phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung danh mục các công trình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021, thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, trong đó đầu tư kéo điện cho 4 bản vùng cao của huyện Tuần Giáo. Nhưng đến hết năm 2022 vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.

Tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), đến nay mới 1/5 bản có điện lưới quốc gia. 4 bản còn lại với gần 200 hộ, gồm: Há Dùa, Xá Tự, Thẳm Nặm, Huổi Anh vẫn chờ mong dòng điện suốt bao năm nay. Nhà nào có điều kiện thì dùng điện nước, lắp tấm điện năng lượng mặt trời mini, còn lại phần lớn gia đình thắp đèn dầu. Việc gọi người dân đi họp hành, tham gia hoạt động tập thể của bản cũng vẫn được hô hào bằng gõ mõ hoặc loa cầm tay. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, cho biết: “Năm 2022, các bản trong xã đều được cấp phát loa phát thanh nhưng 4 bản không có điện để sử dụng. Không có điện, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn và kìm hãm sự phát triển của địa bàn. Nhiều gia đình có kinh tế một chút, muốn sắm sửa đồ dùng gia đình như ti vi, máy xay xát, đồ điện phục vụ làm mộc... nâng cao hiệu suất công việc, chất lượng cuộc sống cũng không thể. Thời điểm hiện tại, khó nhất là việc thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số đối với người dân các bản ấy. Bởi vậy, bà con, cấp ủy, chính quyền đều mong lắm một ngày không xa điện lưới được kéo về từng bản”.

Còn tại huyện Điện Biên Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện chương trình xoá bản trắng về điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, huyện có thêm 8 bản, 1 khu dân cư được thắp sáng. Nhờ đó, nâng tổng số bản có điện trong toàn huyện là 171/198 bản, đạt 86,36%; đưa tổng số hộ được sử dụng điện trên địa bàn lên 12.585/13.746 hộ, đạt 91,55%. Để làm được điều đó, huyện đã tranh thủ các chương trình, dự án và sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Tuy nhiên số bản, số hộ chưa có điện còn lại vẫn rất lớn. Mà với tiềm lực tỉnh nhà, điều kiện huyện vùng cao, để nhanh chóng nâng số hộ được kéo điện lên ngang hàng mục tiêu phấn đấu (98%) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hay mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 của tỉnh, huyện là nhiệm vụ rất khó khăn.

Trong các hội nghị, báo cáo, tỉnh ta luôn khẳng định, việc xây dựng lưới điện giúp các hộ dân vùng cao có điện sử dụng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần quan tâm thực hiện để người dân ổn định và nâng cao đời sống. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với thông tin, các thủ tục hành chính gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu đề ra, Điện Biên cần cả nghìn tỉ đồng để hiện thực hóa “Bừng sáng Điện Biên”.

Do đó, cùng với nguồn lực địa phương, khi Thủ tướng Chính phủ thăm, làm việc tại tỉnh, Điện Biên đã đề nghị Thủ tướng quan tâm, giúp đỡ tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp để triển khai đưa điện về các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, mà góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy Điện Biên phát triển xứng tầm và thực sự “bừng sáng”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top