Chính sách hợp lòng dân

16:24 - Thứ Hai, 15/05/2023 Lượt xem: 3967 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, chính sách đã khẳng định sự đúng đắn, lợi ích to lớn, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến mạnh mẽ; đời sống người dân, cộng đồng các dân tộc sống gần rừng ngày càng nâng cao. Đồng thời, chính sách góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bằng diện tích rừng ngày càng tăng.

Bài 1:  Tăng dày “lá phổi xanh”

Hơn 10 năm thực hiện chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng cho 4.292 lượt chủ rừng, với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng. Lợi ích gắn liền với trách nhiệm, được hưởng lợi từ DVMTR, các chủ rừng và cộng đồng dân cư đã nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời tích cực khoanh nuôi, tái sinh rừng. Nhờ đó, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả ngày càng lớn, tăng tỷ lệ che phủ rừng.

Kiểm lâm địa bàn cùng người dân xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) phát dọn thực bì, phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô.

Tăng diện tích rừng

Năm 2014, bản Nậm Khum, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) được giao quản lý, bảo vệ 674,57ha rừng. Tuy nhiên, thời điểm đó do nhận thức về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, trong 2 năm 2015 - 2016, một số hộ dân trong bản và các bản lân cận đã có nhiều hành vi phá rừng làm nương khiến diện tích rừng giảm mạnh. Đến năm 2017, diện tích rừng của bản Nậm Khum chỉ còn 350,4ha (giảm 324,1ha so với năm 2014). Từ năm 2017 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân về pháp luật quản lý, bảo vệ rừng và chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả đầy đủ, kịp thời tiền DVMTR cho cộng đồng và các hộ dân. Được hưởng lợi từ DVMTR, người dân từng bước nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó tự nguyện tham gia tổ bảo vệ rừng của bản tham gia tuần tra rừng, kịp thời phát hiện và báo lực lượng chức năng về các hành vi vi phạm lâm luật. Đồng thời, tích cực khoanh nuôi, tái sinh rừng để được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách DVMTR. Nhờ đó, đến năm 2022, diện tích rừng bản Nậm Khum đủ điều kiện chi trả DVMTR đạt 525,2ha (tăng 174,4ha so với đầu năm 2017). Năm 2021 cộng đồng bản Nậm Khum được hưởng tiền DVMTR gần 363 triệu đồng. Với diện tích rừng tiếp tục tăng lên trong năm 2023, số tiền chi trả DVMTR của bản cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Ông Lỳ Hu Xá, người dân bản Nậm Khum cho biết: Ngoài tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng tổ bảo vệ rừng của bản, từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi đã khoanh nuôi, tái sinh thành rừng và đủ điều kiện chi trả DVMTR với tổng diện tích 8ha từ những mảnh nương bạc màu, kém hiệu quả. Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả cho gia đình 56 triệu đồng.

Xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 9.000ha, trong đó đất có rừng khoảng trên 6.000ha. Trước đây, tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương trên địa bàn xã diễn ra khá phức tạp. Từ khi chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực, các diện tích rừng trên địa bàn được giao cho cộng đồng thôn bản quản lý, bảo vệ và hưởng DVMTR từ đó không còn tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương như trước.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Thực hiện chính sách, 11/11 bản đều thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng và dùng chính nguồn kinh phí từ DVMTR để duy trì hoạt động của tổ. Các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra 3- 4 lần/tháng, cao điểm mùa khô thì tăng cường tuần tra 7 - 8 lần/tháng. Cộng đồng các thôn bản đều ban hành quy ước, hương ước trong đó quy định rõ về các hành vi vi phạm và mức độ xử lý như: Phát, đốt nương vào phạm vi rừng quản lý, bảo vệ; không tham gia tuần tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ rừng được nâng cao. Không những đoàn kết bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có mà người dân còn khoanh nuôi, tái sinh rừng tại những diện tích nương không canh tác. Nếu như năm 2016, toàn xã có khoảng 3.500ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR thì đến hết năm 2022 đã tăng lên hơn 5.000ha.

Nâng cao quản lý

Bản Mường Pồn 2 được giao quản lý, bảo vệ trên 900ha rừng. Đến nay, gần như 100% hộ dân đều tham gia công tác tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Theo quy định của bản, dịp cuối năm bản tổ chức họp dân, công bố công khai bảng chấm công các hộ, thành viên tổ bảo vệ tham gia bảo vệ rừng. Sau khi thống nhất ngày công, tổ quản lý quỹ DVMTR của bản trả tiền tương ứng với ngày công. Số tiền còn lại chia đều cho các hộ dân trong bản hoặc cả bản thống nhất góp để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt chung của bản. Với cách làm đó, từ năm 2016 đến nay bản Mường Pồn 2 không xảy ra phá rừng, đốt rừng làm nương. Không những thế, nhiều hộ dân đã chủ động khoanh nuôi, tái sinh rừng trên diện tích nương không canh tác để được hưởng lợi nhiều hơn từ DVMTR. Đến hết năm 2022, bản Mường Pồn 2 có gần 200ha nương được khoanh nuôi, tái sinh thành rừng.

Ông Trần Đức Quyền, Phó Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nói riêng và nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp nói chung trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả rõ ràng nhất là chính quyền và người dân các địa phương đã bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; diện tích rừng biến động tăng qua các năm theo chiều hướng tăng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Đến nay, 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, toàn bộ 128 xã, phường, thị trấn có rừng (phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) không có rừng) đều thành lập ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng, PCCCR với trên 2.700 thành viên. Toàn tỉnh củng cố, kiện toàn 1.486 tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR cấp thôn, bản với trên 16.000 thành viên tham gia. Các tổ bảo vệ rừng cơ sở hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2017 - 2021, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệm giảm 566 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016. Diện tích rừng tăng thêm khoảng 41.000ha nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 39,1% năm 2017 lên 43,54% năm 2022.

Giai đoạn 2023 - 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên tiếp tục thực hiện chi trả tiền DVMTR đầy đủ, kịp thời nhằm khuyến khích các chủ rừng, cộng đồng dân cư tích cực bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt 45,5%.

Bài 2: Góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top