Chính sách hợp lòng dân (bài 3)

16:22 - Thứ Sáu, 19/05/2023 Lượt xem: 4255 In bài viết

Bài 3: Để chính sách phát huy hiệu quả tối ưu

ĐBP - Chính sách chi trả DVMTR đã và đang mang lại hiệu quả to lớn, là động lực để nhiều hộ dân sống, gắn bó với rừng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chính sách vào cuộc sống vẫn còn gặp một số khó khăn: Còn nhiều diện tích rừng chưa đủ điều kiện chi trả; vẫn còn tình trạng sử dụng tiền DVMTR chưa hiệu quả; sự chênh lệch đơn giá giữa các lưu vực… Để chính sách chi trả DVMTR phát huy hiệu quả tối ưu thì những hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết dứt điểm.

Bài 1:  Tăng dày “lá phổi xanh”

Bài 2: Góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng huyện Mường Chà sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR.

Tránh trông chờ, ỷ lại vào chính sách

Chính sách chi trả DVMTR giúp các chủ rừng, người dân gắn bó với rừng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Một số lưu vực có đơn giá cao nên thu nhập bình quân mỗi hộ từ tiền DVMTR rất lớn. Thu nhập tăng nhanh trong khi sức lao động bỏ ra không quá nhiều nên đã xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách. Trong khi một số hộ sử dụng chưa đúng mục đích và chưa hiệu quả tiền DVMTR.

Trở lại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) sau hơn 10 năm, cảm nhận của chúng tôi là sự đổi thay tích cực về cơ sở hạ tầng, đời sống người dân. Những ngôi nhà vách đất của người Hà Nhì đã được thay thế bằng nhà gỗ, nhà xây, mái tôn vững chãi; 100% đường nội bản được bê tông hóa; nhà nào cũng có xe máy; rất nhiều người lớn sử dụng smart phone… Tả Ló San đang từng bước “thay da đổi thịt” có đóng góp quan trọng từ chính sách chi trả DVMTR.

Theo thống kê của UBND xã Sen Thượng, bản Tả Ló San hiện có 26 hộ, 96 nhân khẩu, số hộ nghèo là 17 (chiếm tỷ lệ 65%) và 3 hộ cận nghèo. Bản Tả Ló San được giao quản lý, bảo vệ hơn 2.755ha rừng, trong đó hầu hết là rừng nguyên sinh, dưới tán là hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú. Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền năm 2021 và phần tạm ứng năm 2022, mỗi hộ dân được hưởng khoảng 115 triệu đồng. Ở Tả Ló San hiện nay có những hộ dân “không lên nương xuống ruộng nhưng vẫn có ăn”. Ruộng không làm thì lấy tiền DVMTR mua gạo; không chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh gì ra tiền, con cái đi học cũng dùng tiền DVMTR… Mọi thứ chi tiêu sinh hoạt đều trông chờ hết vào tiền DVMTR.

Ngoài Tả Ló San, xã Sen Thượng còn có các cộng đồng thu nhập cao từ DVMTR như: Cộng đồng bản Pa Ma, bình quân mỗi hộ gia đình nhận được 123 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Long San bình quân mỗi hộ nhận 63 triệu đồng/năm…

Trao đổi về vấn đề trên với ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, ông Giá cho biết: “Khoản chi trả DVMTR mang lại thu nhập cao, thú thật là chúng tôi vừa mừng vừa... lo! Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức vận động cụ thể từng hộ dân: Khi nhận tiền DVMTR (2 đợt/năm) nên tái đầu tư vào chăn nuôi, mua ít nhất một con trâu giống, rồi nuôi theo mô hình liên kết. Chứ để tiền biến thành gạo, cơm ngay thì chả mấy mà hết!”

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Ỷ lại vào chính sách là đi ngược với tôn chỉ mục đích, mục tiêu của chính sách chi trả DVMTR. Những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận triển khai chính sách, Quỹ đã chú trọng hướng dẫn các cộng đồng, chủ rừng cách sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR để tránh nảy sinh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách.

Khắc phục những bất cập

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn 725 chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản và 900 chủ rừng chưa đủ điều kiện chi trả. Tổng số tiền đang còn “treo” tại quỹ chưa thể chi trả cho chủ rừng là trên 15,6 tỷ đồng.

Từ năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật phụ trách từng địa bàn tiến hành kiểm tra, đối chiếu diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR. Qua đó phát hiện những bất cập như: Sai thông tin tên chủ rừng; tiểu khu, khoảnh, lô, diện tích, trạng thái rừng giữa quyết định giao đất, giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng; các chủ rừng sáp nhập, đổi tên; bản đồ giao đất, giao rừng không có xác nhận của UBND huyện, xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và đại diện chủ rừng.

Ông Trần Xuân Tâm cho biết thêm: Để có cơ sở tạm ứng, thanh toán tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng theo đúng quy định, Quỹ đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa những thiếu sót trên. Đối với các chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản, thời gian tới Quỹ sẽ tổ chức chi trả trực tiếp, đồng thời hướng dẫn mở tài khoản để thuận tiện chi trả những năm tiếp theo. Đối với các chủ rừng chưa đủ điều kiện chi trả, Quỹ sẽ làm việc với từng địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sau quá trình sáp nhập, đổi tên thôn, bản, huyện Tuần Giáo có 43 chủ rừng có diện tích rừng sai khác giữa quyết định giao đất giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng và 34 chủ rừng sai khác về tên chủ rừng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát và văn bản đề nghị của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ. Quỹ cũng cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn, phối hợp địa phương tháo gỡ khó khăn. Đối với các chủ rừng có sự chia tách, sáp nhập dẫn đến sự thiếu thống nhất về diện tích rừng giữa các cộng đồng, cơ quan chuyên môn huyện phối hợp chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động để sớm thống nhất phương án phân chia, bảo vệ và hưởng DVMTR.

Tranh chấp đất rừng là một trong những nguyên nhân khiến các diện tích rừng chưa đủ điều kiện chi trả DVMTR. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đang có 35 điểm tranh chấp đất rừng. Trong đó: Cấp huyện 6 điểm; 18 điểm cấp xã và 9 điểm cấp bản. Đến nay đã giải quyết xong 6 điểm tranh chấp (1 điểm cấp huyện và 5 điểm cấp xã).

Vụ việc điển hình là tranh chấp đất rừng giữa 2 bản: Huổi Lóng (xã Na Sang) và Huổi Nhả (xã Mường Mươn) cùng huyện Mường Chà xảy ra tại khu vực tiểu khu 677 thuộc địa giới hành chính xã Mường Mươn. Trước năm 2006, bản Huổi Lóng và Huổi Nhả đều thuộc xã Mường Mươn, cùng canh tác, sản xuất và bảo vệ rừng. Đến năm 2006, thành lập xã Na Sang trên cơ sở tách một phần của xã Mường Mươn và một phần của xã Si Pa Phìn (theo Nghị định số 135/2006/NĐ-CP). Theo đó, bản Huổi Lóng thuộc địa giới xã Na Sang, bản Huổi Nhả thuộc xã Mường Mươn. Năm 2015, huyện Mường Chà đã giao 637,92ha rừng tiểu khu 677 cho bản Huổi Nhả quản lý, bảo vệ và hưởng DVMTR nhưng dân bản Huổi Lóng không đồng ý, dẫn đến tranh chấp. Đến năm 2018, huyện Mường Chà mới giải quyết dứt điểm tranh chấp bằng việc: Chia 255,68ha cho bản Huổi Nhả quản lý bảo vệ và 382,24ha cho bản Huổi Lóng quản lý. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng đã được chi trả DVMTR; người dân 2 bản yên tâm sản xuất, quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng được giao.

Ông Trần Đức Quyền, Phó Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Việc giải quyết các vụ tranh chấp đất rừng giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tạo đồng thuận trong Nhân dân để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất rừng còn tồn đọng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top