Phìn Hồ phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi

06:30 - Chủ Nhật, 21/05/2023 Lượt xem: 4140 In bài viết

ĐBP - Phìn Hồ là một trong những xã trọng điểm về phát triển chăn nuôi gia súc tại huyện Nậm Pồ. Đây là hướng phát triển sinh kế ổn định của người dân, được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm, chú trọng. Hiện tại khu vực Tây Bắc đã bắt đầu bước vào mùa mưa, đây là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh trên gia súc. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo người dân, thực hiện các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh kịp thời cho đàn vật nuôi.

Cán bộ xã Phìn Hồ phổ biến các phương pháp phòng tránh dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại bản Đề Tinh 1, xã Phìn Hồ.

Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và đề án trồng cỏ, chuyển đổi chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt, bán nuôi nhốt, số lượng đàn vật nuôi của xã Phìn Hồ đã phát triển nhanh chóng. Đến nay tổng đàn gia súc cỡ lớn toàn xã đạt 6.291 con (trâu, bò, lợn, dê, ngựa); tổng đàn gia cầm đạt 13.600 con. Với số lượng gia súc, gia cầm lớn, việc đảm bảo ổn định sự phát triển, tái đàn của vật nuôi là vô cùng quan trọng. Trong đó công tác đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh trên đàn gia súc luôn là ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã Phìn Hồ. Ngay từ những tháng đầu năm, chuẩn bị bước vào mùa mưa, UBND xã Phìn Hồ đã chủ động triển khai các biện pháp đồng bộ đến từng hộ chăn nuôi để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa lũ.

Ông Hồ Chử Xỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Gia súc, gia cầm là hướng phát triển kinh tế ổn định và bền vững của địa phương, các hộ gia đình trong xã đều nuôi với số lượng khác nhau, đây là sinh kế, tài sản lớn của người dân. Với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, việc quản lý đàn vật nuôi, chủ động nguồn thức ăn, chủ động phòng tránh bệnh tật là vô cùng quan trọng. Thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa lũ, độ ẩm không khí tăng cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời đây là thời điểm thuận lợi để các mầm mống bệnh tồn tại, phát triển, lây lan và có thể hình thành dịch trên đàn gia súc. Chính vì vậy công tác chủ động phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ ổn định đàn vật nuôi, tái đàn của người dân.

Tình hình thời tiết cực đoan, mưa, nắng thất thường dễ dẫn đến các diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, UBND xã Phìn Hồ đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng hộ gia đình thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch bệnh; phát hiện các ổ dịch có nguy cơ bùng phát cần báo cho chính quyền có biện pháp xử lý, tránh bùng thành dịch, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi khỏe mạnh; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn (nuôi con giống sạch, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm phòng các bệnh trên gia súc; tu sửa chuồng trại, giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo khu vực chăn nuôi khô, thoáng, tránh ứ đọng nước và các phế phẩm của vật nuôi); chủ động tích trữ nguồn thức ăn như rơm, rạ, cỏ khô, tinh bột... đảm bảo đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn vật nuôi.

Ngoài tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, UBND xã còn thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ, kiểm tra thú y cho vật nuôi và sản phẩm động vật trên địa bàn. Huyện duy trì kết nối thông tin với từng bản trên địa bàn, khi phát hiện có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh sẽ khoanh vùng, tiến hành cách ly và đề ra hướng xử lý thích hợp, tránh bùng dịch, ảnh hưởng xấu đến đàn vật nuôi trên địa bàn.

Ông Khoàng Văn Thiệm, bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ chia sẻ: Gia đình nuôi hơn mười con trâu, đây là tài sản lớn, sinh kế chủ yếu của gia đình. Chính vì vậy, gia đình luôn ý thức công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, trước mùa mưa gia đình đã tiến hành gia cố, tôn nền xi măng cho chuồng trại, thường xuyên khử trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, đảm bảo nền chuồng trại luôn được vệ sinh, sạch sẽ và khô ráo. Đồng thời, tiến hành tiêm phòng bệnh định kỳ cho đàn gia súc, tích trữ nguồn thức ăn cần thiết để vật nuôi có sức chống chọi, chịu đựng trong thời tiết bất lợi.

Hiện tại mới chỉ bắt đầu mùa mưa, để đảm bảo đàn vật nuôi không bị ảnh hưởng, công tác phòng chống dịch bệnh thực sự đạt hiệu quả, khống chế, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết bất lợi gây nên, ngoài sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi có biểu hiện nhiễm bệnh cần thông báo ngay cho thú y hoặc chính quyền sở tại để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top