ĐBP - Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh diễn ra bất thường; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao... đã ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm. Trong đó khẩn trương, quyết liệt thiết lập, ban hành nhiều cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, điện, nước, lãi suất...
Trong quý I/2023, ngành Thuế tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ như: Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đối với doanh nghiệp. Theo đó đã hỗ trợ 33 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, các chính sách về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay. Điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên đã 7 lần giảm lãi suất huy động. Đồng thời tiếp tục có chương trình giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/5 - 30/9/2023 đối với khách hàng có dư nợ cho vay trung, dài hạn bằng Việt Nam đồng tại thời điểm 15/5/2023 như sau: Giảm tối thiểu 0,5%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, mức lãi suất sau khi giảm không thấp hơn sàn lãi suất cho vay theo đối tượng cho vay sản xuất kinh doanh thông thường theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phù hợp với từng đối tượng.
Đối với hỗ trợ người dân, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Đơn cử, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Điện Biên đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức triển khai cho 2.709 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, đã giải ngân 224,512 tỷ đồng, gồm: Giải quyết việc làm 140 tỷ đồng với 1.958 khách hàng; nhà ở xã hội 62,732 tỷ đồng với 154 khách hàng; học sinh sinh viên mua máy tính 1,31 tỷ đồng với 89 khách hàng; cơ sở giáo dục dân lập 200 triệu đồng với 2 khách hàng và cho vay theo Nghị định 28/NĐ-CP là 20,541 tỷ đồng với 506 khách hàng.
Mới đây, ngày 21/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Triển khai thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong quy trình quản lý và xét duyệt hồ sơ trên hệ thống trực tuyến, tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phù hợp... Qua đó, góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất kinh doanh.