ĐBP - Chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” là một trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này phản ánh đánh giá và yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh bình đẳng. Năm 2022 chỉ số này của tỉnh Điện Biên bị giảm điểm và bậc xếp hạng nhiều nhất trong các chỉ số thành phần.
Năm 2022, chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” tỉnh Điện Biên đạt 4,29 điểm (giảm 1,8 điểm), xếp hạng thứ 62 (giảm 35 bậc) so với năm 2021. Xét về điểm số, có 9/11 tiêu chí giảm điểm; về xếp hạng có 8/11 tiêu chí giảm xếp hạng. Trong đó có một số tiêu chí bị giảm mạnh về điểm số và xếp hạng, là: Thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn (giảm 44 bậc, xếp thứ 61); thủ tục hành chính nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn (giảm 22 bậc, xếp thứ 59); thuận lợi trong cấp phép khai thác khoáng sản là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn (giảm 29 bậc, xếp thứ 63); việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn (cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) gây khó khăn cho doanh nghiệp (giảm 30 bậc, xếp thứ 50)...
Có 63% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hợp đồng, đất đai… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh. Hay có đến 65% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn (cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân). Tương tự trong lĩnh vực tiếp cận thông tin có 52% doanh nghiệp cho rằng thuận lợi trong tiếp cận thông tin là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn...
Đối với chỉ số “cạnh tranh bình đẳng”, trong năm qua, các sở, ban, ngành tỉnh đã đổi mới cách thức quản lý Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Đơn cử, về thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin điện tử của tỉnh... Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố, công khai rộng rãi theo quy định, tạo điều kiện cho tất cả người dân, doanh nghiệp truy cập tìm hiểu thông tin để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp chưa đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp về các nguồn lực, tín dụng, thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong tiếp cận đất đai; việc tạo dựng môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp của tỉnh chưa thực sự hiệu quả. Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, thì yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp không đơn thuần là các gói hỗ trợ về vốn, đất đai… mà là môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính sách ổn định, thủ tục hành chính đơn giản.
Nguyên nhân do sự có mặt của các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu cả nước với thế mạnh về nguồn vốn đầu tư, nhân lực, kỹ thuật, am hiểu quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư... đã tạo ra sự chênh lệch lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động tại tỉnh. Từ đó đã tác động đến cảm nhận của các doanh nghiệp trong quá trình đánh giá các chỉ số. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả do đó nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ chưa nắm được hết các nội dung hỗ trợ của cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, một phần cũng là do bản thân doanh nghiệp chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định của pháp luật để thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, để cải thiện chỉ số “cạnh tranh bình đẳng”, thời gian tới các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Người đứng đầu các cấp, các ngành, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh ở cơ quan, đơn vị. Với mục tiêu nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư, từng sở, ban ngành, địa phương công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Thực hiện rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; cấp phép kinh doanh có điều kiện. Tăng cường công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các chủ trương của tỉnh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Cùng với đó, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện nhũng nhiễu trong công tác thanh tra kiểm tra, cũng như các công tác khác liên quan đến doanh nghiệp để tạo niềm tin hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4. Nâng cao trách nhiệm công vụ, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương liên quan việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thành lập, đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trong thực hiện nhiệm vụ, không gây chậm trễ, khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.