Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông lâm thủy sản

14:34 - Thứ Ba, 30/05/2023 Lượt xem: 3320 In bài viết

5 tháng năm 2023 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có dấu hiệu khởi sắc so với 4 tháng năm 2023. Dù vậy, với mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2023 vẫn đang là “quãng đường dài” để ngay từ lúc này, các doanh nghiệp, ngành hàng cần đẩy mạnh các giải pháp để khơi thông thị trường, lấy lại đà tăng trưởng.

Cần triển khai các giải pháp để khơi thông thị trường, lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông lâm thủy sản (Ảnh minh họa: K.V)

Kim ngạch xuất khẩu dù khởi sắc nhưng vẫn giảm

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết, 4 tháng năm 2023, ghi nhận xuất khẩu nông sản giảm mạnh khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng năm 2023 có thể thấy, rất nhiều mặt hàng vốn có thế mạnh xuất khẩu, mang lại giá trị cao và đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm đáng kể. Trong đó, có thể kể đến gỗ và sản phẩm gỗ, 4 tháng đầu năm chỉ đạt 3,913 tỷ USD, giảm mạnh với mức giảm 30,4%; kế đến là thủy sản, giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 2,63 tỷ USD, giảm 27,7%. Cùng với đó là các mặt hàng cao su, đạt 685 triệu USD, giảm 20,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; hạt tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%.

Trong 4 tháng đầu năm, điểm sáng của xuất khẩu nông lâm thủy sản có rau quả đạt 1,392 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; đặc biệt là xuất khẩu gạo đạt 1,555 tỷ USD, tăng 54,5%; cà phê đạt 1,702 tỷ USD, tăng 2,5%....Tuy nhiên, những mặt hàng này chưa thể bù đắp lại được sự sụt giảm của các mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu.

Trong 5 tháng đầu năm, số liệu vừa được Bộ NN&PTNT cập nhật, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có khởi sắc hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt 20,26 tỷ USD, với mức giảm được rút ngắn hơn với 11,1%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.

5 tháng đầu năm, trong khi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; thịt, phụ phẩm 58 triệu USD, tăng 59,1%..., nhất là gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49%, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như: Cao su 799 triệu USD, giảm 24%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%...

Theo phân tích của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gỗ, thủy sản và cao su giảm mạnh nhất trong 4 tháng năm 2023 do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU,…Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Hoa Kỳ, ASEAN và Hàn Quốc giảm mạnh trong 4 tháng năm 2023, lần lượt giảm 40,5%, 5% và 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp khó do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển; các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp,... Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.

Riêng đối với thị trường thủy sản, VASEP cho biết, nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước. Diễn biến này có dấu hiệu bắt đầu từ Quý 4/2022 khi các chỉ số lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá tại nhiều thị trường, khiến sức mua của người dân các nước giảm sút, nhà nhập khẩu tồn kho lớn.

Từ cuối 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3-5 tháng (dù đã ký hợp đồng), các đơn hàng ký mới cũng giảm đáng kể. Diễn biến này khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu ngay một loạt áp lực lớn từ đầu quý I/2023 năm nay: tồn kho tăng cao, phải điều chỉnh giảm công suất sản xuất, thiếu dòng tiền về để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông-ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn.

Theo khảo sát của Hiệp hội và phản ánh của các doanh nghiệp, Quý I/2023, chỉ số đơn hàng giảm 20-50% (tùy nhóm sản phẩm),trong khi nhiều mặt hàng giá xuất khẩu giảm so với 2022; tồn kho tăng cao ở nhiều doanh nghiệp. Tình hình các đơn hàng mới cho Quý 2/2023 cũng chỉ đạt 30-60% so với quý 2 năm ngoái. Không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.

Lấy lại đà tăng trưởng

Theo dự báo, trong thời gian sắp tới, tình hình xuất khẩu của các ngành hàng sẽ có nhiều biến động, thuận lợi và khó khăn khác nhau. Trong đó, đối với rau quả, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong quý II, xuất khẩu rau quả có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Năm 2023, ngành rau quả có thể sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái. Phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Đối với gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, đối với cà phê, dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại do lo ngại lạm phát ở Châu Âu và lãi suất ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ giảm.

Với hồ tiêu, theo Hiệp hội hồ tiêu quốc tế, dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh. Nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số thị trường khác tăng bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Hoa Kỳ và EU. Hiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu tăng cường mua hàng với những đơn hàng xa trong quý III và quý IV/2023, tuy nhiên, lượng giao dịch không nhiều.

Thời tiết thất thường cùng với giá hồ tiêu liên tục giảm khiến nông dân nhiều nơi phải chặt bỏ cây trồng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng đầu ra và tình trạng không đủ đáp ứng nguồn cung cho các đơn hàng xuất khẩu lớn.

Đặc biệt, đối với nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Cụ thể như: giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador, làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Trung Quốc mở cửa lại sau chính sách Zero COVID nhưng cạnh tranh cao vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung xuất khẩu vào thị trường này sau mở cửa.

Lạm phát và suy thoái kinh tế trên thị trường thế giới dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút.

Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, lạm phát ở Hoa Kỳ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, có thể kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu vừa đưa ra Dự Luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Theo đó, ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn bởi quy trình này. Dự luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025.

Để gỡ khó cho thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường thế giới; tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản, tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau, gia vị sang thị trường EU; tổ chức chuỗi các sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh,...

Riêng đối với ngành hàng thủy sản, VASEP cho biết, sẽ tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới.

Cùng với đó, nghiên cứu thêm nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mới và tập trung vào các phân khúc hàng giá trị gia tăng cho các thị trường: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ. Mở rộng sang các thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng nhờ kinh tế ổn định hơn như: khu vực Trung Đông, ASEAN. Đồng thời, nắm bắt xu hướng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống của người châu Á ở các thị trường: Hoa Kỳ, EU…

Về vấn đề gỡ khó cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành NN&PTNT xác định, càng khó khăn, thách thức càng “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cuối quý II sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường, vì vậy phải chủ động về thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để phục hồi xuất khẩu….

Tại thông báo số 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững,…

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng đầu năm gặp nhiều thách thức không là điều nằm ngoài dự báo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2023 như kỳ vọng thì việc nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường xuất khẩu là công tác cần được các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục đẩy mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, bứt phá, tiếp tục xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thêm các thị trường mới, để tạo thêm các đơn hàng, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp và người sản xuất cần tiếp tục bám sát và cập nhật kịp thời thông tin từ các thị trường để khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, chúng ta đã ở trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn đòi hỏi các doanh nghiệp, các ngành hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực, sức mạnh của bản thân để tiếp tục trụ vững trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều biến động, nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tinh thần tự lực, tự cường, càng khó khăn càng không lùi bước, càng quyết tâm tìm ra các giải pháp mới gỡ khó cho tình hình.

Song hành với đó, về phía Nhà nước cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường thông thoáng để tiếp thêm “sức mạnh” cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh,…,từng bước lấy lại đà tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top