Giá vàng thế giới đi lên đã giúp giá kim loại quý trong nước “đội” 100.000-200.000 đồng/lượng mỗi lượng vào sáng 31-5.
Phiên giao dịch đêm qua, giá vàng thế giới tăng 0,8%, lên mức 1.958,8 USD/ounce. Giá kim loại quý tăng bởi giá đồng USD giảm và lợi tức trái phiếu kho bạc cũng giảm. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia quan tâm đến việc tăng dự trữ vàng. Đến gần 9h, giá giao dịch tại mức 1.959,9 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, cũng vào thời điểm trên, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 30-5.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 150.000 đồng/lượng (chiều mua) và 200.000 đồng/lượng (chiều bán), để là 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cùng xu hướng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết với giá 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn cuối ngày liền trước 100.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Giá vàng nhẫn có nơi tăng giá ở mức tương tự như vàng miếng nhưng có nơi tăng mạnh hơn. Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 150.000 đồng/lượng mỗi chiều đối với giá vàng nhẫn 1-5 chỉ, để là 55,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Tập đoàn Phú Quý để giá vàng nhẫn là 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,7 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Nếu như biên độ mua - bán giá vàng nhẫn phổ biến là 850.000-950.000 đồng/lượng thì giá vàng miếng là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng nhưng mức tăng chậm hơn giá quốc tế. Vì vậy, chênh lệch giá giữa hai thị trường giảm về mức khoảng 11,1 triệu đồng/lượng.