ĐBP - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành chuyên môn, chính quyền cấp huyện đã khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp để tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh tích cực chuyển đổi những diện tích trồng lúa bị khô hạn sang trồng cây màu và các loại cây trồng ngắn ngày; chuyển đổi diện tích đất nương bạc màu sang trồng cây ăn quả hoặc các loại cây công nghiệp như: Mắc ca, cà phê. Năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi 889,52ha đất trồng lúa sang cây trồng khác. Cụ thể: Chuyển đổi 8,92ha đất lúa 2 vụ sang trồng cây hàng năm (mắc ca, bí xanh, dứa, ngô, lạc); 196,1ha đất lúa một vụ sang trồng cây hàng năm; 864,5ha lúa nương sang trồng dứa, cỏ voi, cây ăn quả. Vụ đông xuân năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác là 146,2ha. Các huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng là: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ.
Phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng tập trung, hàng hóa là một nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 3417/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, 10/10 huyện, thị, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững. Đến hết năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 3.982,5ha; diện tích kinh doanh năm 2022 ước đạt 1.524,9ha; sản lượng ước đạt 15.257,8 tấn.
Ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để mở rộng diện tích cây ăn quả, hàng năm các huyện lồng ghép linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án chung mục tiêu. Đồng thời vận động người dân chuyển đổi diện tích canh tác một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đơn cử như năm 2022, từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương và khuyến nông tỉnh, 4 huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ đã bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển cây ăn quả. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 23,2ha mô hình trình diễn chuyển đổi cây ăn quả; trồng mới 63,2ha cây ăn quả và lai ghép, cải tạo 2.000m2 vườn tạp. Theo kế hoạch, năm 2023 từ nguồn vốn khuyến nông, toàn tỉnh dự kiến trồng mới 84ha cây ăn quả, trong đó: 30ha dứa; 10ha lê; 5ha bơ và 39ha cây ăn quả khác tại các huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.
Trước đây, xã Rạng Đông là một trong những “vựa ngô” lớn nhất huyện Tuần Giáo. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, nhiều diện tích trồng ngô của xã Rạng Đông đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, mít, bưởi da xanh.
Ông Lò Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông cho biết: “Những năm gần đây, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều diện tích sản xuất trên địa bàn xã luôn trong tình trạng thiếu nước, việc sản xuất ngô, lúa không hiệu quả như trước. Do đó, dưới sự định hướng, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn huyện, xã Rạng Đông đã và đang vận động người dân chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả giá trị cao. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30ha cây ăn quả trồng tập trung, một số diện tích bắt đầu cho quả bói”.
Được biết, hiện nay huyện Tuần Giáo đã có gần 500ha cây ăn quả; nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Huyện Tuần Giáo phấn đấu đến hết năm 2025 có 1.000ha cây ăn quả, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Vài năm gần đây, huyện Mường Chà tích cực vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Trong đó, chú trọng phát triển cây quế trên diện tích đất nương kém hiệu quả. Năm 2022, toàn huyện trồng mới trên 160ha quế.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Hai năm gần đây, huyện Mường Chà sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Vốn phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 - 2025; nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg của UBND tỉnh; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia... để trồng quế trên diện tích nương bỏ hoang, kém hiệu quả. Các dự án đều được triển khai theo hướng liên kết. Để các dự án hiệu quả, huyện chú trọng công tác kiểm định chất lượng cây giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chỉ đồng ý nghiệm thu thanh toán khi vườn cây đạt tỷ lệ sống theo đúng tỷ lệ hợp đồng đã ký kết. Hiện nay, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu chuyển đổi sang trồng quế của người dân rất lớn. Do đó, từ nay đến năm 2025, huyện Mường Chà tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các dự án mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn.