ĐBP - Thời gian qua, giá xăng dầu có chiều hướng giảm khiến doanh nghiệp và người dân vọng sẽ giảm áp lực giá cả sản xuất và tiêu dùng. Tuy vậy, khi xăng dầu giảm giá gần 3.000 đồng/lít, mặt bằng giá cả hầu như vẫn đứng yên, thậm chí có mặt hàng vẫn tiếp tục tăng nhẹ.
Theo giá thị trường ngày 20/6, giá xăng hiện nay từ 20.878 đồng/lít đối với xăng E5RON92 và 22.015 đồng/lít xăng E5RON95; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.028 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 17.823 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 14.719 đồng/kg.
Tuy nhiên trái với mong đợi của người tiêu dùng, dù giá xăng dầu có chiều hướng giảm nhưng giá hàng hóa, dịch vụ chưa giảm mà một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường còn có xu hướng tăng. Khảo sát thực tế tại thị trường TP. Điện Biên Phủ, khi giá xăng được điều chỉnh giảm khoảng khoảng 3.000 đồng/lít, đa số các loại hàng hóa tiêu dùng hầu như không giảm, thậm chí một số mặt hàng tươi sống, nhất là rau củ quả có xu hướng tăng. Cụ thể, giá lợn hơi tăng nhẹ dao động từ 60 - 66 nghìn đồng/kg (tăng 5 nghìn đồng/kg), do giá thức ăn chăn nuôi tăng. Thịt ba chỉ giá từ 110 - 115 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn giá 110 - 120 nghìn đồng/kg, thịt lợn nạc thăn 120 - 125 nghìn đồng/kg; giá thịt trâu, bò 250 - 260 nghìn đồng/kg; gà nuôi truyền thống 140 - 150 nghìn đồng/kg loại 1,5kg/con trở lên; cá chép loại 1kg trở lên 70 - 75 nghìn đồng/kg; trứng gà 4 - 5 nghìn đồng/quả. Đang thời điểm nắng nóng nên giá rau, củ quả có biến động tăng nhẹ. Cụ thể: Rau muống 10 nghìn đồng/kg; khoai tây 20 - 25 nghìn đồng/kg; rau cải xanh 20 - 25 nghìn đồng/kg, cà chua từ 25 - 30 nghìn đồng (tăng 5 - 10 nghìn đồng/kg)...
Ông Phạm Xuân Hưng, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Dự báo thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tăng nhẹ do sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tình hình giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá thế giới, trong khi đó nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi rất lớn sẽ có tác động đến hoạt động chăn nuôi lợn. Ngoài ra, giá rau, củ, quả có xu hướng tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài, bất lợi cho hoạt động sản xuất trồng trọt của người dân.
Bên cạnh một số mặt hàng giữ giá, nhiều mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, mà còn làm tăng chi phí đầu vào của những tiểu thương kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Chị Trần Thị Lê, chủ quán phở trên địa bàn phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trước đây, để làm nguyên liệu nấu phở, gia đình thường mua xương và thịt bò với tổng chi phí khoảng 4 triệu đồng/ngày thì hiện nay đã tăng lên 6 triệu đồng/ngày. Mặc dù đầu vào nguyên liệu tăng song chúng tôi không thể tăng giá thành phẩm khi bán ra. Để giảm chi phí phát sinh, gia đình đành tiết giảm chi phí về điện, nước cũng như tận dụng nhân lực của gia đình.
Còn đối với người tiêu dùng, trước tình hình giá cả hàng hóa không giảm, nhiều người dân đã chuyển thói quen mua sắm tại chợ sang hệ thống siêu thị mini. Theo đại diện của siêu thị mini vinmart, hiện nay dù một số mặt hàng tại các chợ tăng giá song giá hàng hóa trong siêu thị vẫn đang giữ nguyên.
Có thể thấy giá các mặt hàng tiêu dùng chưa được điều chỉnh giảm theo giá xăng, dầu hiện nay đã khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công Thương các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân. Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường; vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.