ĐBP - Những ngày này, tại huyện Tuần Giáo, lê đang là nông sản được nhiều thương lái và người dân đến tận vườn tìm mua. Những quả lê mọng nước được trồng tại các xã: Tỏa Tình, Tênh Phông trở thành món quà tặng mà nhiều người ưa thích.
Lê là giống cây ưa khí hậu ôn đới, có khả năng chịu lạnh tốt, phù hợp với địa hình và thời tiết tại 2 xã Tỏa Tình và Tênh Phông. Từ cuối năm 2018, lê bén rễ tại 2 khu vực này với hơn 26ha từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, nhằm hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn. Sang năm 2019, tiếp tục có thêm hơn 30ha lê được đầu tư xuống giống tại Tỏa Tình và khoảng 15ha tại Tênh Phông.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: “Là cây trồng mới đối với địa bàn nên ban đầu khi triển khai trồng lê cũng gặp không ít khó khăn. Các diện tích trồng lê được theo dõi, kiểm tra thường xuyên. UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, đôn đốc các hộ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo tán, vin cành, tỉa quả non... làm sao để có những vụ thu hoạch đạt chất lượng tốt”.
Gia đình chị Mùa Thị Giàng, bản Chế Á là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm 200 gốc lê từ cuối năm 2018. Chị Giàng chia sẻ: “Trồng lê không khó, 1 năm chăm bón 2 lần, nhưng cần tỉ mỉ hơn một chút vì phải tỉa cành để tạo tán thấp, rộng cho cây. Những năm đầu, cùng trên diện tích này, nhà tôi còn trồng xen canh cà phê để nâng cao giá trị sử dụng đất. Năm nay là năm đầu tiên lê cho thu hoạch đồng loạt, bán ra thị trường thấy rất khả quan, tăng nguồn thu cho gia đình”.
Năm 2022, lê bắt đầu cho quả bói mỏng vỏ, mọng nước, ngọt, thơm, được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Sang năm nay, các diện tích lê trồng năm 2018 đồng loạt cho hái trái ngọt. Trung bình mỗi cây vụ đầu được thu từ 3 - 5kg, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Tại xã Tênh Phông, Chủ tịch UBND xã Mùa A Dụa cho biết: “Các diện tích lê tập trung tại khu vực bản Ten Hon. Vụ đầu tiên này, xã thu khoảng 700kg. Quả lê lần đầu được trồng tại địa bàn, lại thơm ngon nên bán khá chạy. Người dân hái đến đâu bán hết đến đấy. Giá cả cũng ổn nên bà con rất phấn khởi, mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới”.
Ngay từ năm nay, cơ quan chuyên môn huyện đã giới thiệu, kết nối doanh nghiệp ngoại tỉnh bao tiêu lê cho người dân, tuy nhiên do vụ đầu tiên sản lượng thu hoạch ít nên các hộ bán lẻ hoặc thương lái đến tận vườn thu mua. Mặc dù chưa tạo lập được liên kết bao tiêu vụ này nhưng với tiềm năng, giá trị kinh tế được đánh giá cao, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai dự án nhân rộng diện tích lê tại Tỏa Tình với 45ha.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo cho biết: “Đây là Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023 - 2028. Cụ thể, chuyển đổi 45ha đất nương, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng lê VH6 với 88 hộ tham gia, thuộc 2 bản Hua Sa A và bản Lồng. Trong đó, Dự án tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng lê cho người dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ và sau này hướng tới mở rộng diện tích cho các hộ trong khu vực. Doanh nghiệp liên kết là Công ty Cổ phần nông nghiệp HT miền Bắc”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, các hộ dân tham gia dự án đã đào hố, xuống giống cây dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ chuyên môn. Những năm tới, sản lượng lê tại Tuần Giáo chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Với chất lượng quả được khẳng định vụ đầu và được doanh nghiệp hỗ trợ, bao tiêu ngay với cả những diện tích trồng từ trước, người dân Tỏa Tình, Tênh Phông yên tâm trồng trọt và đặt nhiều kỳ vọng vào cây lê.