ĐBP - Nhằm thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả sang hướng nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, những năm qua các cấp, ngành chuyên môn đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn, kiểu mẫu… tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống và thu nhập của người dân.
Xã Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông) là xã vùng cao, thuần nông. Ðời sống người dân chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp. Tuy nhiên, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Ðơn cử như cây lê vàng trên địa bàn xã được cơ quan chuyên môn đánh giá hiệu quả, chất lượng, có thể phát triển trở thành cây mũi nhọn. Tuy nhiên người dân chủ yếu trồng theo kiểu tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng thấp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ðể thay đổi nhận thức của người dân, năm 2020 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông triển khai mô hình trồng cây lê vàng trên địa bàn xã Háng Lìa. Mô hình triển khai trên diện tích 1ha với 5 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật trồng. Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay cây lê vàng bắt đầu cho thu hoạch. Qua tổng kết, đánh giá, mô hình cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với người dân trồng tự phát.
Ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Triển khai thực hiện mô hình, mục tiêu chính nhằm chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được thực hiện hiệu quả; góp phần chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Mô hình góp phần thay đổi tư duy của người dân, hướng đến sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau khi kết thúc mô hình, những hộ tham gia đã chia sẻ với những hộ lân cận về kiến thức, khoa học kỹ thuật, nhờ đó mô hình trồng lê vàng trên địa bàn xã Háng Lìa được nhân rộng trong xã và các xã Xa Dung, Tìa Dình.
Tương tự, nhằm thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân, năm 2020 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu với diện tích 4ha. Ðến nay mô hình được duy trì và nhân rộng hiệu quả. Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá bán tối thiểu 8.000 đồng/kg; trừ chi phí trung bình đạt 50 triệu đồng/ha. Hiện toàn xã có gần 300 hộ dân được liên kết, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 40ha. Mô hình trồng khoai sọ không chỉ được trồng trên địa bàn xã Trung Thu mà còn mở rộng sang nhiều xã khác của huyện Tủa Chùa.
Là một trong những người tham gia mô hình, anh Thào A Làng chia sẻ: Gia đình tham gia trồng 2.500m2 khoai sọ do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai. Tôi đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; đồng thời biết kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm của địa phương với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giống mới vào sản xuất. Nhờ đó, khoai sọ đạt năng suất cao, giảm công sức lao động. Nhất là tôi đã học tập được sản xuất theo hướng tập trung, hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Từ nguồn vốn các chương trình khuyến nông, giai đoạn 2016 - 2021, tổng kinh phí chi cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh là hơn 32 tỷ đồng. Riêng kinh phí dành cho thực hiện trình diễn các mô hình là gần 24 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã đầu tư phát triển được 217 mô hình khuyến nông; trong đó có 182 mô hình về trồng trọt và 35 mô hình chăn nuôi, thủy sản. Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) đã đầu tư gần 170 tỷ đồng thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả, như: Mô hình chăn nuôi gia súc (Tủa Chùa); phát triển cây ăn quả (Tuần Giáo, Mường Ảng)… Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp đã mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các hộ dân đăng kí tham gia và người dân xung quanh. Sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người nông dân đã góp phần sản xuất các loại nông sản an toàn, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.