ĐBP - Là huyện vùng biên, tỷ lệ hộ nghèo cao; những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã có nhiều chương trình, hành động nhằm nâng cao đời sống người dân, trong đó chú trọng công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động, từ đó xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nhằm giúp nông dân có việc làm, tăng thu nhập, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ mở nhiều lớp dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc. Sau khi hoàn thành các lớp dạy nghề, học viên dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, cũng như đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng lao động.
Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ cho biết: Dạy nghề là hoạt động thường niên những năm trở lại đây. Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền rà soát, định hướng học nghề cho lao động nông thôn. Dựa trên điều kiện thực tế của từng khu vực, nhu cầu của bà con để xây dựng kế hoạch mở lớp dạy nghề nâng cao chất lượng lao động tại địa phương. Từ đầu năm đến nay Trung tâm đã mở 10 lớp dạy nghề ở các xã, mỗi lớp 35 học viên, được đào tạo từ 2 - 3 tháng, với nhiều nội dung như lớp xây dựng, trồng lúa, chăn nuôi... Theo kế hoạch năm nay trung tâm sẽ đào tạo, dạy nghề cho 620 học viên. Song hành cùng hoạt động dạy nghề, cán bộ trung tâm tích cực tuyên truyền, thay đổi lối tư duy lao động sản xuất cũ (trên nương) phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, dần chuyển sang sản xuất ở vùng thấp, từ đó chủ động được nguồn nước, thức ăn cũng như áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp.
Tham gia các khóa học về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và chữa bệnh cho bò, trước đó anh Giàng Lờ Kinh, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Trước đây gia đình cũng nuôi bò nhưng chủ yếu thả rông. Vì vậy, khi bò bị bệnh cũng không biết, vật nuôi sinh trưởng kém, phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện tự nhiên; kinh tế rất khó khăn. Sau khi học 3 lớp về chăn nuôi từ 2018 - 2020, cảm thấy đã nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, gia đình vay vốn ngân hàng cũng như vay mượn anh em trong bản để xây dựng mô hình nuôi bò thương phẩm lấy thịt. Nhờ ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, vật nuôi phát triển tốt, đem lại thu nhập khá, năm 2021 gia đình tôi đã thoát nghèo. Để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, gia đình tôi trồng thêm cỏ voi. Với đàn gia súc dao động từ 20 - 30 con, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ hộ nghèo trong xã, sau gần 2 năm gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có của ăn, của để của địa phương.
Cũng tham gia khóa học nghề tại Trung tâm, anh Lường Văn Nguyên, bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua cho biết: Trước ở nhà không có việc, gia đình chỉ trông chờ vào mảnh nương, nắng mưa thuận lợi thì đủ ăn, không thuận lợi thì đói, phải đi làm thêm các công việc khác với ngày công hơn 100 nghìn đồng. Năm 2016, xã phối hợp mở lớp dạy nghề xây dựng nên tôi tham gia; sau khi học xong giai đoạn đầu chỉ làm thợ phụ, với các công trình nhỏ để tích lũy kinh nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, sau khi làm quen, có kinh nghiệm thì lượng công việc nhiều hơn, đều hơn, các công trình chủ yếu là xây dựng chuồng trại, bếp, công trình phụ… Trung bình ngày công hơn 300 nghìn đồng, tháng thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng.
Có thể thấy hiệu quả của các lớp dạy nghề nơi vùng cao, biên giới; từ những kiến thức được học, áp dụng đang từng bước nâng cao chất lượng lao động cũng như đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Hơn hết, việc áp dụng, thực hành nghề nghiệp để phát triển kinh tế của học viên đang từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của bà con dân bản trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thiên nhiên, thoát nghèo từ những điều kiện sẵn có, trong nội tại người dân một cách ổn định, bền vững.