ĐBP - Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều là quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm cách xa nhau; lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ còn mỏng… là hàng loạt những hạn chế khiến công tác quản lý các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 127 cơ sở giết mổ lợn, 21 cơ sở giết mổ trâu, bò và 3 điểm giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy, đến nay mới có khoảng 60% các cơ sở cơ bản đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Điều này đồng nghĩa khoảng 40% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các lỗi vi phạm thường gặp của các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, như: nước thải xả thẳng ra môi trường, giết mổ động vật ngay trên sàn, trang thiết bị không được khử trùng trước và sau giết mổ, không thu gom chất thải rắn sau khi giết mổ, người giết mổ không được khám sức khỏe định kỳ, dụng cụ chứa không đảm bảo vệ sinh, không ghi chép nguồn gốc và số lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ...
Thực tế tại các cơ sở giết mổ cho thấy, 100% cơ sở đều có quy mô nhỏ lẻ, hầu hết các cơ sở chưa chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để thực hiện hoạt động giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xử lý nước thải. Nguyên nhân chính là do phần lớn các cơ sở trên đều có diện tích nhỏ hẹp, nằm xen kẽ trong các khu dân cư nên khó khăn cho việc sửa chữa, nâng cấp theo quy định. Cùng với đó doanh thu các cơ sở không lớn nên việc bỏ vốn để nâng cấp quy trình còn khó thực hiện.
Anh N.V.H (huyện Điện Biên) là một trong những hộ kinh doanh thịt lợn, đồng thời cũng thực hiện các khâu giết mổ thủ công tại nhà. Anh H. cho biết: “Trung bình mỗi ngày gia đình tôi chỉ mổ và bán 1 con lợn, vào các ngày lễ thì khoảng 3 - 4 con. Vì số lượng lợn giết mổ mỗi ngày không nhiều nên việc bỏ tiền ra đầu tư nâng cấp cơ sở đảm bảo đúng quy chuẩn là rất khó khăn. Cũng bởi vậy, tất cả quy trình giết mổ đều được tôi thực hiện thủ công, nước thải cũng xả chung với đường nước thải sinh hoạt của gia đình.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Vấn đề giải quyết ô nhiễm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do tỉnh chưa quy hoạch được điểm giết mổ tập trung. 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, công suất giết mổ thấp, nằm cách xa nhau; trong khi đó lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ rất mỏng chí từ 1 - 2 người tại mỗi Trung tâm dịch vụ, hơn nữa do hoạt động giết mổ của các cơ sở diễn ra vào sáng sớm là chủ yếu nên khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ đúng theo quy định (kiểm tra trước và sau khi giết mổ). Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với những lỗi vi phạm của các chủ sơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự nghiêm, hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, dẫn đến tình trạng chây ì, khó chuyển biến.
Không những thế, một trong những loại hình dịch vụ khác đã tồn tại từ lâu là dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm thuê. Thông thường, các cơ sở này giết mổ khoảng 20 đến 40 con gia súc, gia cầm mỗi ngày, tập trung chủ yếu tại các chợ trung tâm các huyện, thị xã, thanh phố. Tuy nhiên, các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các điểm giết mổ trên cũng không đảm bảo.
Tại chợ Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ dù mới được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động chưa được một năm, song do diện tích nhỏ hẹp, lại không thể đảm bảo được nguồn nước cũng như hệ thống xử lý nước thải nên không bố trí điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Một số hộ giết mổ gia súc, gia cầm thuê ở chợ tạm Mường Thanh trước đây vì kế mưu sinh đã tự dựng lán ở khu vực gần công trình đập sông Nậm Rốm để tiếp tục “hành nghề”. Tuy nhiên, mục sở thị các các điểm giết mổ gia súc gia cầm trên, không khó để bắt gặp hình ảnh người giết mổ dùng chung một chậu nước sôi để nhúng hàng chục con gà, vịt vào đó. Mọi loại nước thải, chất thải cũng được đổ thẳng xuống sông Nậm Rốm gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường và dòng chảy của sông.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ xuất xứ, điều này vô hình trung đã tạo điều kiện cho các cơ sở không đảm bảo chất lượng hành nghề. Vì vậy, để góp phần tháo gỡ những bất cập trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, trong lúc chờ đợi các cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, quy trình rõ ràng. Đồng thời, cần thông tin đến lực lượng chức năng khi phát hiện các điểm giết mổ có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình, góp phần vào ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật cũng như bảo vệ môi trường.