ĐBP - Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 20.000ha lúa mùa và gần 26.000ha lúa nương. Ðối với cây hàng năm (ngô, lạc, đậu tương) có diện tích gieo trồng khoảng 25.000ha và gần 14.000ha cây lấy bột (sắn, dong riềng, khoai sọ). Thời điểm này các loại cây trồng đang phát triển tốt. Song do ảnh hưởng thời tiết nắng mưa thất thường, nhiều cây trồng bắt đầu xuất hiện một số loại sâu bệnh hại như: Ðạo ôn lá, khô vằn, chuột, sâu keo mùa thu, châu chấu tre, đốm lá nhỏ… chủ yếu xuất hiện trên cây lúa, ngô, lạc, cây ăn quả. Ðể vụ hè thu đạt hiệu quả, người nông dân cần tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu hại cho các loại cây trồng.
Các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp đã tăng cường cán bộ về cơ sở chỉ đạo sản xuất, kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp chăm sóc cây trồng; phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo sản xuất vụ hè thu thắng lợi. Khuyến cáo người dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, diện tích cây trồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, có cách phòng trừ kịp thời. Thời điểm này, trên các cánh đồng, nông dân tích cực ra đồng chăm sóc, bón phân, làm cỏ cho cây lúa, lạc và ngô.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 28/7, tổng diện tích các loại cây trồng nhiễm sinh vật gây hại hơn 2.313ha. Trong đó, trên lúa mùa xuất hiện một số loại sâu bệnh, như: Sâu cuốn lá nhỏ mật độ phổ biến 1 con/m2, nơi cao 5 - 25 con/m2, với diện tích nhiễm 13ha; bệnh đạo ôn lá tỷ lệ phổ biến 0,5 - 1,5%, nơi cao 5 - 15%, cục bộ 50%, diện tích nhiễm 111,5ha; ốc bươu vàng mật độ phổ biến 1 - 3 con/m2, nơi cao 10 con/m2, diện tích nhiễm 307,8ha; chuột phá hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 5 - 15%, diện tích nhiễm 94,3ha... Trên các loại cây trồng khác (lúa nương, ngô hè thu) xuất hiện các loại bệnh hại như bệnh đốm nâu, bạc lá, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo mùa thu, bệnh đốm lá lớn gây hại rải rác; tình hình châu chấu tre tiếp tục gây hại trên các đồi tre, trúc thuộc địa bàn huyện Mường Nhé...
Ðể đảm bảo năng suất, hiệu quả đối với các loại cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các địa phương, người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, bệnh hại trên cây trồng, nhất là những bệnh hại mới xuất hiện để kịp thời phun phòng trừ. Trong đó, đối với cây lúa nước tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt quản lý chặt chẽ các đối tượng bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy. Hướng dẫn người dân khoanh vùng xử lý kịp thời đối với diện tích mới xuất hiện bệnh hoặc trên những ruộng đã phun trừ nhưng chưa hiệu quả.
Ðối với cây ăn quả, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cho phù hợp với từng loại cây, phòng chống dịch hại áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), các biện pháp nâng cao sức khỏe đất của chương trình IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp). Trong đó chú ý bổ sung phân vi lượng như canxi, kẽm để giảm hiện tượng rụng quả, nứt quả do thiếu dinh dưỡng; quản lý tốt các đối tượng phấn trắng, thán thư trên cây xoài; nhện, sâu đục quả, ruồi đục quả trên các loại cây có múi... bằng các chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học giúp cân bằng hệ sinh thái, an toàn cho người sản xuất. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến châu chấu tre và chủ động phòng chống.
Nhờ chủ động các giải pháp, đến thời điểm này, cây trồng hè thu trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt, sâu bệnh được xử lý kịp thời, không ảnh hưởng nhiều sinh trưởng, phát triển của cây. Ðối với bệnh sâu cuốn lá nhỏ trên cây lúa, người dân đã chủ động phun phòng trừ 128ha nhiễm các loại bệnh; phun phòng trừ 250ha nhiễm bệnh đạo ôn lá; phòng trừ gần 90ha đối với các loại sinh vật gây hại như chuột, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá vi khuẩn... Ðối với các loại bệnh hại trên cây trồng khác với diện tích nhiễm ít, đã được người dân chủ động phun phòng trừ. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân không nên chủ quan, cần tích cực chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và sử dụng thuốc trừ sâu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.