Cuộc sống qua ảnh
ĐBP - Cao điểm làm long nhãn vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi nhãn chín rộ. Đây cũng là thời điểm nông dân ít việc, học sinh nghỉ hè. Vậy nên khi những lò làm long nhãn khởi động, từ già trẻ, lớn bé rủ nhau đi xoáy long. Người người, nhà nhà ngồi quây quần bên sàng long, vừa xoáy vừa trò chuyện rôm rả.
Với nhiều người dân, hái nhãn, xoáy long là công việc thời vụ. Xoáy một cân nhãn tươi được trả 3.000 đồng, người làm nhanh mỗi ngày có thể xoáy từ 30kg - 40kg. Không chỉ kiếm thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn, mà đi xoáy long nhãn còn là dịp gặp gỡ bà con chòm xóm sau thời gian tất bật với ruộng nương.
Để chuẩn bị cho mùa làm long nhãn, các chủ lò chuẩn bị từ rất sớm. Những vườn nhãn được mua từ khi ra hoa. Chủ lò sẽ thuê lao động thu hái nhãn. Đây là công việc vất vả vì phải leo trèo, đặc biệt trong những ngày mưa, thân cây trơn trượt, nên giá thuê sẽ cao hơn. Trung bình, mỗi lao động hái nhãn được trả 250.000 đồng một ngày công.
Vụ long nhãn năm nay, nhiều chủ lò đánh giá khả quan vì nhãn được mùa. Khắp lòng chảo Điện Biên đâu đâu cũng thấy nhãn; giá chỉ 3.000 đồng/kg nhãn tươi, người dân tự hái, chở đến tận lò bán. Giá nhãn rẻ, giá long đầu mùa bán cho thương lái trung bình từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, nếu giá thành đầu ra ổn định, dự kiến đây sẽ là mùa long nhãn thắng lợi.
Việc đốt lò, sấy long chỉ mang tính thời vụ, theo mùa. Tuy nhiên, hoạt động của các lò long nhãn vừa tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương vừa góp phần tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản của người dân.